Nông thôn làng quê là của cải

Rate this post

Có những vùng quê được tôn thành di sản, để rồi văn hóa trong làng đóng băng, chìm vào quên lãng, cộng đồng không được hưởng lợi.

Du lịch nông nghiệp, nông thôn góp phần đưa những giá trị văn hóa, lịch sử, những sản phẩm gắn liền với hồn quê tới người tiêu dùng, tạo nên thương hiệu cho mỗi địa phương. Phát triển du lịch ở các làng xã chính là nâng cao năng lực cộng đồng, xây dựng nông thôn mới, trên cơ sở thay đổi tư duy từ “sản xuất nông nghiệp” sang phát triển kinh tế nông thôn.

Nhìn lại 2023, người đứng đầu ngành NN-PTNT đã ghi chép không ít chuyến đi, cảm nhận mỗi khi đến công tác tại các địa phương. Trong khi du lịch nông thôn là ngành kinh tế mới, còn nhiều tiềm năng chưa được khai phá, Báo Nông nghiệp Việt Nam phỏng vấn Bộ trưởng Lê Minh Hoan để tìm hiểu giá trị tích hợp của ngành du lịch – ngành phát triển nông thôn.

Thưa Bộ trưởng, ngành du lịch nông thôn có nhiều bước tiến đáng kể trong năm qua, góp phần thay đổi đời sống nhiều địa phương Việt Nam. Bộ trưởng có thể chia sẻ thêm cảm nghĩ về bức tranh toàn cảnh ngành dịch vụ nông nghiệp hiện nay?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Năm 2023, sau những chuyến đi về thăm các vùng nông thôn, tôi nhận thấy tư duy bà con, doanh nghiệp dần chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Rất nhiều người tự hào vì được làm và cống hiến cho ngành nông nghiệp.

Trước tiên phải đề cao hai khối công – tư đã tích cực tham mưu, cùng Bộ NN-PTNT triển khai nhiều sáng kiến du lịch nông thôn, dựa trên kiến thức về nông nghiệp của họ và niềm cảm thông với gánh nặng của nông dân.

Theo đó, sức mạnh xã hội đang xây dựng hình ảnh nông thôn tươi đẹp hơn, vượt ngoài phạm vi các dự án hợp tác với Bộ. Các giải pháp chuyển đổi số, áp dụng khoa học công nghệ, mô hình nông nghiệp mới được doanh nghiệp đưa tới các địa phương. Địa phương lại cung cấp góc nhìn về yếu tố văn hóa, truyền thống, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp cho những vị khách đến thăm.

Báo Nhân Dân vừa ra mắt chuyên trang OCOP, là một ví dụ khác về nền tảng số hóa, giúp lan tỏa thông tin về đặc sản trên toàn quốc. Sản phẩm OCOP không chỉ có giá trị kinh tế mà còn đóng góp tích cực cho cộng đồng và hình ảnh quốc gia.

Cần kể đến sự chỉ dẫn của các hiệp hội và chuyên gia độc lập, đã giúp nhiều thanh niên khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch nông thôn. Điều này là một dấu hiệu rõ ràng của sự chuyển đổi từ tăng trưởng đơn giá trị sang “tích hợp đa giá trị”.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp làm dịch vụ lữ hành góp phần không nhỏ vào sự phát triển làng quê. Thông qua tổ chức các tour, tuyến trải nghiệm, họ đưa văn hóa nông thôn đến với khách đô thị, khách nước ngoài, góp phần quảng bá hình ảnh thân thiệu của Việt Nam.

Tuy ngành dịch vụ đã bắt đầu hình thành ở nông thôn, chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm. Quan trọng là kết nối tất cả các bên liên quan để chia sẻ kinh nghiệm, xác định những điểm còn yếu, thúc đẩy sự hợp tác. Năm 2023, ngành du lịch nông thôn đã vượt qua nhiều thách thức; sự tăng trưởng của các sản phẩm nông sản không chỉ làm phồn thịnh ngành này mà còn góp phần vào sự ổn định của đời sống nông thôn.

Bên cạnh những cơ hội trên, thưa Bộ trưởng, ngành du lịch nông thôn đối mặt với những thách thức nào? Cách tiếp cận kinh tế nông nghiệp sẽ gỡ rối khó khăn như thế nào để phát huy các giá trị của làng quê Việt Nam, quảng văn hóa bản địa độc đáo, gắn kết cộng đồng?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Để phát triển lĩnh vực này, ta cần đặt câu hỏi về giá trị thực sự mà nó đem lại. Không chỉ về mặt kinh tế đối với doanh nghiệp hay người nông dân, mà còn về mặt xã hội, các ích lợi cộng đồng địa phương, đồng bào dân tộc thiểu số. Du lịch nông thôn là nguồn thu nhập cho bà con và là cầu nối giao thoa giữa đô thị – làng quê.

Ngành du lịch nông thôn đứng trước nhiều thách thức. Các mô hình dịch vụ còn manh mún, nhỏ lẻ; cấu trúc tự phát, năng lực chưa đồng đều, thiếu sự kết nối.

Nông dân nước ta đối mặt với nhiều rủi ro trong sản xuất, trong số đó là tình trạng ly nông, ly hương do chênh lệch thu nhập giữa thành thị, nông thôn ngày càng lớn. Nhiều người trẻ bỏ quê hương lên thành phố, tìm kiếm công việc, bắt nhịp sống nhanh. Các làng quê cũng vì thế mà chậm lại.

Ngược dòng di chuyển từ làng về thành thị là các đoàn khách du lịch nông nghiệp. Lượng khách này tăng dần qua từng năm, thể hiện nhu cầu “tìm về cội nguồn” của những người con xa quê. Người đô thị xa quê, nhớ về nguồn cội, nhớ không khí làng xã; họ cần cảm giác về thiên nhiên, cần thời gian để tĩnh lại.

Có thể nói, việc tiếp đón du khách từ đô thị về địa phương là sự trao đổi năng lượng, làm phong phú, sôi động thêm đời sống nông thôn.

Với nhiều người, du lịch nông thôn mang lại sự giao thoa và giữa người nông thôn và đô thị. Du lịch nông thôn không chỉ là việc kiếm lợi nhuận, mà còn là về việc tạo ra giá trị xã hội và duy trì sự cân bằng giữa hai nơi chốn. Để vượt qua những thách thức này, chúng ta cần kết nối, chia sẻ kinh nghiệm, tạo ra những giải pháp toàn diện hơn, giúp ngành du lịch nông nghiệp phát triển bền vững và tích cực.

Mối liên kết giữa nông thôn và du lịch hướng đến một nhóm người đặc biệt – những người từ đô thị trở về tìm kiếm nguồn cảm hứng từ nơi mà họ sinh ra và lớn lên, trước khi họ rời xa quê. Khi chuyển từ làm nông nghiệp sang làm dịch vụ, từ nông thôn lên thành phố, có sự thay đổi rõ rệt trong cảm xúc và tâm hồn của con người đô thị.

Mỗi lần về quê, dù chỉ là cuối tuần hay cuối tháng, chúng ta trải qua một trạng thái tâm lý đặc biệt. Có điều gì đó khác biệt, một sức hút mạnh mẽ, đưa ta quay trở lại với nguồn gốc, ký ức về quê hương và những con người đã làm nên mình từ thuở nào.

Môi trường nông thôn có thiên nhiên tươi đẹp. Đó là nơi mà chúng ta tìm thấy bình yên, tìm về với chính mình. Ở đô thị, với cuộc sống hối hả, chúng ta thường khó tìm thấy được những khoảnh khắc chậm lại.

Chỉ cần một chút thời gian ở nông thôn, ta có thể trở lại với bản thân mình, đánh thức những giá trị quan trọng, thấu hiểu hơn về cuộc sống.

Như vậy, du lịch nông thôn là giao thoa văn hóa giữa vùng nông thôn và đô thị. Nhịp sống từ thành phố sẽ đẩy nhanh nhịp sống làng quê. Đô thị còn chứa đựng những tinh hoa về khoa học, công nghệ, tri thức, văn minh. Sự giao thoa này làm cho đời sống nông dân phong phú hơn, khách du lịch có cơ hội khám phá những giá trị mới.

Khái niệm “du lịch nông thôn” là cộng hưởng của hai chữ du lịch và nông nghiệp. Vậy thưa Bộ trưởng, làm thế nào để cân bằng hai giá trị này, vừa phát triển nông thôn, vừa thu hút khách tới tham quan? Tương tự, các mô hình du lịch nông thôn như farm stay hay village stay cũng cần sự đồng đều giữa hai vế. Bộ trưởng có thể chia sẻ thêm cách cân bằng giữa làm nông và làm dịch vụ?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Phát triển du lịch nông thôn một cách bền vững đòi hỏi sự tập trung vào yếu tố cộng đồng, bản sắc, thay vì theo đuổi những xu hướng ngắn hạn. Hoạt động du lịch nông thôn trở thành một phần của cộng đồng, yêu cầu sự kết nối giữa những ngôi nhà trong cùng một làng, kết nối giữa thiên nhiên và cảnh quan nông nghiệp. Du khách không chỉ đến nông thôn để trải nghiệm không gian đẹp, mà còn để thấu hiểu nhịp sống của làng quê.

Điều này có nghĩa là chúng ta đang hướng tới sự gần gũi và chân thành của không gian làng xã với nhiều giá trị vô hình, chứ không đơn thuần là nơi nghỉ chân. Du lịch nông thôn mở ra cơ hội cho du khách kết nối với cộng đồng, hiểu sâu hơn về bản sắc văn hóa.

Farmstay không chỉ là nơi ở, mà là một phần của trải nghiệm, tạo ra sự kết nối với cảnh quan thiên nhiên. Nếu chúng ta có thể tận dụng tài nguyên tự nhiên, tạo ra những trải nghiệm độc đáo, ta tạo ra nguồn tài nguyên du lịch thực sự.

Thành công của du lịch nông thôn nằm ở khả năng kết nối cộng đồng, biến ngôi làng thành tài nguyên để du khách trải nghiệm và bổ sung kiến thức về đời sống nông dân. Chúng ta cần có những cộng đồng du lịch mà những người nông dân tự hào giới thiệu: “Đây là làng chúng tôi, đây là cuộc sống của chúng tôi. Chúng tôi đã giữ gìn, tạo ra cảnh đẹp nơi đây”.

Khi đó, câu chuyện từ người trong làng là chất liệu khiến du lịch nông thôn trở nên trù phú. Thử tưởng tượng, vị khách phương xa đến chơi, trực tiếp được nghe lời tự sự của người dân địa phương về kỷ niệm làng quê, về sự thay đổi nhờ phát triển kinh tế… Sự chân thành, niềm tự hào với ngôi làng chính là điều sẽ đọng lại trong lòng người đến thăm làng.

Phát triển farm stay, village stay (các không gian phục vụ du khách) đồng nghĩa với việc người cung ứng dịch vụ dần nhận ra khả năng của mình. Họ cần xác định mục tiêu từ nhu cầu của du khách, đó là được trải nghiệm không gian văn hóa làng quê. Do đó, du lịch nông thôn phải đáp ứng đủ điều kiện để mang lại cảm xúc và kỷ niệm đặc biệt cho du khách.

Làm “nông thôn mới” không có nghĩa là xây dựng một ngôi làng mới từ đầu. Thay vào đó, cộng đồng hãy cùng nhau điều chỉnh cảnh quan, làm cho nông thôn trở nên phong phú hơn, giàu cảm xúc hơn. Làm đường mới, sửa sang nhà, trồng thêm hoa ven đường… cho không gian thêm thân thiện.

Người dân cần phải chăm sóc để giữ được tinh thần của một làng quê. Tạo nên ngôi làng giàu trải nghiệm không phải là công việc dễ dàng. Không gian đó phải được xây dựng rộng lớn, kết nối với nhau, tạo điểm đến mà du khách có thể trải nghiệm trọn vẹn.

Với liên tiếp những sự kiện lớn diễn ra vào dịp cuối năm (Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam, Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo tại Hậu Giang, Festival Hoa – kiểng Sa Đéc), Bộ trưởng nhìn thấy những cơ hội nào để tiếp tục lan tỏa nét đẹp miền quê Việt Nam với bạn bè quốc tế? Mặt khác, Bộ NN-PTNT đang học hỏi kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới từ những nước nào?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Festival giúp quảng bá sản phẩm; tổ chức festival là xây dựng chiến lược quảng bá đa chiều cho du lịch nông thôn. Trong festival, chúng ta không đơn giản chỉ bán hàng mà còn thể hiện giá trị của nông sản – có thể là hạt gạo, trái cây, cá, tôm và quá trình làm nên các sản phẩm. Mục tiêu là để du khách kết nối với địa phương, hiểu nguồn gốc của các gói hàng.

Do đó, không gian của festival cần phải được thiết kế rộng lớn, không chỉ về chiều rộng vật lý mà còn về chiều sâu trải nghiệm. Mục đích trọng tâm của Festival là con người – là bà con nông dân. Làm thế nào chúng ta có thể đóng góp vào cuộc sống của họ. Đây là tư duy đúng đắn – tư duy đặt con người làm trung tâm của mọi sự phát triển. Đúng nghĩa là không để ai bị bỏ rơi trong quá trình phát triển.

Bản đồ du lịch nước rộng lớn, mang đậm tài nguyên bản địa, tri thức của người Việt. Khi kết nối được những điểm này, ta không chỉ làm giàu tinh thần cho người đô thị mà còn làm giàu cho người nông dân, cả về mặt vật chất và tinh thần.

Sự tri ân, hiểu biết của người tiêu dùng là động lực của người làm sản xuất. Mặt khác, lòng cởi mở và câu chuyện nông nghiệp giúp đối tượng khách hàng hiểu rõ hơn về các ngôi làng Việt Nam.

Dân gian có câu: Ăn quả nhớ kẻ trồng cây, nhắc nhở chúng ta hãy trân trọng người tạo ra những sản phẩm tiêu thụ hàng ngày. Du lịch nông thôn đưa người tiêu dùng đi tiếp bước xa hơn, hướng dẫn du khách tham gia vào quá trình sản xuất cùng với bà con nông dân.

Du lịch là hành trình khám phá những nơi mới mẻ, là cách kết nối văn hóa giữa các địa phương, các quốc gia. Thế giới rộng lớn, mỗi người đi tìm những nơi mới để hiểu rõ hơn về thế giới và để kết nối văn hóa giữa các cộng đồng.

Du lịch nông thôn cho phép con người thưởng thức thiên nhiên, trải nghiệm đời sống của những cộng đồng khác. Do đó, người làm du lịch cần truyền tải thông tin, nhấn mạnh sự giao thoa, học hỏi chân thành với du khách.

Không nên chỉ nhìn vào giá trị kinh tế của du lịch nông thôn, mà còn nên coi hoạt động dịch vụ tích hợp nông nghiệp là trách nhiệm về lòng tự hào đối với quê hương. Mỗi đặc điểm của vùng quê, từ dòng sông, ngọn núi tuyệt vời, đến khung cảnh làng xã và hương vị dân dã, đều góp phần cho niềm tự hào về bản sắc văn hóa. Nông thôn là của cải.

Chúng ta có thể học hỏi từ khái niệm của người Hàn Quốc – đất nước có ngành du lịch nông thôn phát triển. Đừng nên coi di sản là giá trị đã đóng băng trong quá khứ; hãy nhìn nhận nó như là một tài sản, sinh lời cho nông dân. Nhiều khi chúng ta chưa rõ ràng về khái niệm “di sản”. Có những vùng quê được tôn thành di sản, để rồi văn hóa trong làng đóng băng, chìm vào quên lãng, cộng đồng không được hưởng lợi. Mặc dù sống trong di sản, nhiều người trở nên xa cách với giá trị nguyên bản của nông thôn.

Quay lại góc nhìn trong nước, Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch như thế nào để các chương trình phát triển được xuyên suốt, định hướng cách thức quảng bá ở cả tầm quốc gia và địa phương?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Đầu tiên, các bên cần kết nối để hiểu lẫn nhau. Điều này đặc biệt quan trọng trong lĩnh vực du lịch nông nghiệp – nông thôn, nơi giá trị thường là một khía cạnh phổ quát. Tôi có đề xuất với Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch sẽ thành lập Hiệp hội Du lịch Nông nghiệp Việt Nam.

Hiệp hội sẽ kết nối các bên liên quan, giúp cho những cộng đồng người dân làm du lịch – chứ không thay thế nông dân làm du lịch. Như vậy, tư duy kinh tế sẽ được phủ rộng rãi hơn. Bà con hiểu được cách làm thương hiệu cho cả chuỗi giá trị, làm dịch vụ để nâng tầm giá trị nông sản.

Thương mại chỉ là một phần của quá trình; giáo dục và giao thoa văn hóa mới là những công cụ quan trọng để truyền tải nét đẹp nông thôn. Quan trọng nhất là khía cạnh giáo dục trong du lịch nông nghiệp. Việc này mang lại kiến thức xã hội về thiên nhiên và nông dân ngày nay; giáo dục về tình yêu, sự trân trọng đối với những người làm nên thực phẩm mà chúng ta ăn mỗi ngày. Du lịch không chỉ là trải nghiệm, mà là cơ hội để học hỏi và tìm lại nguồn cảm hứng.

Khách du lịch nông thôn cần trải nghiệm gần gũi với thiên nhiên và văn hóa địa phương. Điều quan trọng là tạo ra những trải nghiệm đơn giản, gần gũi, cho phép du khách được hòa mình vào đặc trưng của vùng quê.

Các em học sinh có thể được giáo dục về nông nghiệp thông qua các hoạt động ngoại khóa, tạo ra trải nghiệm học tập độc đáo. Du lịch nông thôn trở thành tiết học, giúp các em hiểu rõ hơn về công việc người nông dân. Mục đích giáo dục là tạo cho các em sự biết ơn đối với người làm nông.

Khi đó, người nông dân sẽ dẫn dắt buổi học, truyền tải vốn hiểu biết khí hậu, môi trường, thổ nhưỡng. Mặt khác, doanh nghiệp lữ hành đóng vai trò kết nối nông dân với du khách, giúp thông tin trao đổi xuyên suốt.

Có ý kiến cho rằng, du lịch nông thôn đòi hỏi đầu tư lớn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không phải lúc nào đầu tư lớn cũng là chìa khóa thành công. Ở nông thôn, ta có thể tận dụng những yếu tố tự nhiên, không gian rộng lớn, văn hóa độc đáo để tạo ra những trải nghiệm du lịch không thể nào quên. Sự sáng tạo nằm ở việc thu hút du khách mà không cần yêu cầu đầu tư quá lớn.

Thậm chí, mỗi ngôi nhà có thể trở thành một không gian trải nghiệm, phục vụ du khách bữa ăn truyền thống trong không gian sinh hoạt địa phương. Chia sẻ bữa cơm, bà con có thể kể những câu chuyện về nguồn gốc của mỗi món ăn, cách món ăn phản ánh văn hóa nông thôn… Sự sáng tạo trong tổ chức du lịch nông thôn giúp kích hoạt những giá trị vô hình. Ngay cả miếng bánh nhỏ cũng chưa đựng biết bao câu chuyện về lịch sử, thiên nhiên, xã hội tạo nên nó.

Cuối cùng, xin gửi lời tri ân đến các cá nhân, cộng đồng, doanh nghiệp đã và đang bền bỉ làm giàu cho quê hương qua các sáng kiến du lịch nông thôn!

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *