Năm 2023, xuất siêu chạm mức kỷ lục 28 tỉ USD với nhiều mặt hàng xuất khẩu thuần Việt đạt giá trị tỉ USD, tăng trưởng tích cực như gạo, rau quả, hạt điều, cà phê, giấy và các sản phẩm từ giấy.
Theo số liệu được Tổng cục Thống kê công bố trong báo cáo tình hình kinh tế – xã hội năm 2023, kỷ lục xuất siêu năm 2023 vượt xa con số xuất siêu của nhiều năm qua.
Giá trị xuất siêu năm 2023 đạt 28 tỉ USD – gấp 2,5 lần giá trị xuất siêu năm 2022, 7 lần giá trị xuất siêu của năm 2021 và hơn 1,4 lần giá trị xuất siêu của năm 2020.
Những mặt hàng xuất khẩu tỉ đô
Kim ngạch xuất nhập khẩu 15 năm qua (2008 – 2023) có thay đổi theo chiều hướng tích cực, nền kinh tế chuyển dần từ nhập siêu sang xuất siêu.
Nếu từ năm 2008 – 2011 chúng ta liên tục nhập siêu hàng chục tỉ USD thì từ năm 2012 – 2023 nền kinh tế đã chuyển sang trạng thái xuất siêu.
Từ 2012 đến nay, chỉ có năm 2015 nền kinh tế nhập siêu 3,2 tỉ USD, những năm còn lại nền kinh tế liên tục xuất siêu từ vài tỉ USD đến vài chục tỉ USD.
Trong kỷ lục xuất siêu năm 2023, ngoài các mặt hàng chiếm giá trị xuất khẩu lớn do khu vực doanh nghiệp FDI xuất khẩu như điện tử, máy tính, linh kiện 57,3 tỉ USD; điện thoại, linh kiện 53,1 tỉ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ khác 43,1 tỉ USD thì nhiều mặt hàng do khu vực doanh nghiệp trong nước sản xuất, thuần Việt hơn cũng đạt giá trị xuất khẩu lớn.
Cụ thể, giá trị xuất khẩu dệt may 33,2 tỉ USD, giày dép 20,3 tỉ USD, gỗ và các sản phẩm từ gỗ 13,4 tỉ USD, thủy sản 9 tỉ USD. Tuy nhiên, trong năm 2023 còn nhiều khó khăn thì các mặt hàng xuất khẩu chủ lực này lại có sự sụt giảm so với năm 2022.
Trong khi đó, một số nhóm hàng xuất khẩu trong nước lại cho thấy các tín hiệu tích cực đáng ghi nhận trong năm 2023: rau quả đạt 5,5 tỉ USD (tăng 65,9%), hạt điều 3,6 tỉ USD (tăng 17,6%), cà phê 4,1 tỉ USD (tăng 3,1%), gạo 4,8 tỉ USD (tăng 39,4%), giấy và các sản phẩm từ giấy 2,08 tỉ USD (tăng 9,5%)…
Công nhân vận chuyển nông sản lên các xe container trước khi xuất khẩu sang Trung Quốc tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn – Ảnh: HÀ QUÂN
Kinh tế thế giới phục hồi, xuất khẩu sẽ khá hơn
Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Doãn Kế Bôn, khoa kinh tế và kinh doanh quốc tế Trường đại học Thương mại, cho rằng năm 2023 tổng kim ngạch xuất khẩu của VN không tốt như mọi năm.
Nhưng do cán cân thương mại phụ thuộc vào cả hai đầu xuất khẩu và nhập khẩu, năm nay xuất khẩu giảm nhưng nhập khẩu giảm sâu hơn nên dẫn tới thặng dư thương mại lớn, con số xuất siêu đạt kỷ lục lên tới 28 tỉ USD.
Cũng theo vị chuyên gia này, xuất siêu giúp VN ổn định được tình hình kinh tế vĩ mô, giảm khan hiếm USD trong nước, giúp chúng ta điều tiết chính sách tiền tệ dễ dàng hơn. Nhưng nhập khẩu với VN có vai trò cung cấp nguyên, phụ liệu, nhiên liệu cho sản xuất phục vụ xuất khẩu.
Năm nay chúng ta không xuất được nên nhu cầu nhập khẩu nguyên, vật liệu, thiết bị đầu vào không cao. Hơn nữa, do nền kinh tế khó khăn nên nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của VN cũng thấp theo nhu cầu chung của thế giới.
Còn theo ông Ngô Sỹ Hoài – phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản VN, xuất khẩu là động lực quan trọng của nền kinh tế nhưng trong năm 2023 xuất khẩu nhiều ngành hàng có kim ngạch lớn như dệt may, giày da, gỗ, thủy sản đều giảm từ 15 – 30% so với cùng kỳ 2022.
Cùng quan điểm này, ông Vũ Tiến Lộc, ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cũng khẳng định xuất nhập khẩu năm 2023 chưa phải là tín hiệu quá tích cực. Dù nền kinh tế xuất siêu 28 tỉ USD nhưng năm 2023 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giảm 6,6% so với năm 2022.
Đây cũng là năm duy nhất kim ngạch xuất nhập khẩu giảm trong 10 năm vừa qua (2013 – 2023), như vậy xuất nhập khẩu vẫn còn khó khăn.
Tín hiệu tích cực với xuất khẩu năm 2023, theo ông Lộc, là quý 4 xuất khẩu đã tăng nhiều hơn trong khi nhập khẩu giảm, tốc độ tăng nhập khẩu thấp hơn tốc độ tăng xuất khẩu, điều này làm cho xuất siêu tăng mạnh.
“Trong năm 2024, xuất khẩu VN sẽ phục hồi cùng với đà phục hồi của kinh tế thế giới và có thể đạt được tăng trưởng khá hơn năm 2023”, ông Lộc dự báo.
Tương tự, ông Bôn cũng cho rằng xuất khẩu năm 2024 sẽ khởi sắc hơn 2023 vì lạm phát của Mỹ, các nước châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đang giảm. Đây là các thị trường xuất khẩu lớn của VN.
Đến nay, theo công bố mới nhất thì Mỹ và các nước châu Âu đã kiểm soát được lạm phát, lãi suất sẽ hạ xuống nên xu hướng tiêu dùng sẽ phục hồi và tăng dần lên. Tình hình kinh tế thế giới, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu lớn của VN, được dự báo sẽ khởi sắc hơn, vì thế tình hình xuất khẩu của VN cũng tốt lên trong năm nay.
Tuy nhiên, TS Lê Quốc Phương, nguyên phó giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương), cho rằng cần nâng chất lượng hàng xuất khẩu bởi chúng ta xuất siêu lớn trong năm 2023 nhưng chủ yếu do doanh nghiệp FDI xuất.
Cụ thể, khu vực FDI xuất siêu khoảng 48 tỉ USD, trong khi khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu khoảng 20 tỉ USD, như vậy xuất siêu năm 2023 chủ yếu do khu vực FDI xuất siêu quá lớn, các doanh nghiệp trong nước vẫn phải nhập siêu nhiều.
Các doanh nghiệp FDI đang chiếm 3/4 miếng bánh xuất khẩu, doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm 1/4 thôi. Hơn nữa, chúng ta xuất siêu sang châu Âu, Mỹ nhưng lại nhập siêu lớn từ một số nước châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc – ông Phương nhấn mạnh.
Hiện VN xếp thứ 20 trên thế giới về kim ngạch xuất khẩu, trong đó 85% sản phẩm xuất khẩu thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo như dệt may, da giày, điện tử, điện thoại, máy tính… nhưng hầu hết là gia công.
Có thể thấy nếu nhìn vào tổng kim ngạch xuất khẩu thì VN là một cường quốc xuất khẩu nhưng giá trị gia tăng chúng ta được hưởng lợi rất thấp.
Theo ông Phương, để nâng cao giá trị gia tăng xuất khẩu, trước hết phải nâng hàm lượng nội địa hàng xuất khẩu, muốn vậy phải chuyển từ nền sản xuất gia công, lắp ráp hiện nay sang nền sản xuất thiết kế, chế tạo.
Và để hiện thực hóa điều này thì nhân công phải có trình độ, tay nghề cao; nền sản xuất phải dựa trên nền tảng của chính mình chứ không dừng ở việc lắp ráp, ví dụ như chúng ta đang theo đuổi phát triển ngành công nghiệp bán dẫn hiện nay.
Đồ họa: TẤN ĐẠT
Điểm sáng xuất khẩu nông sản
Table of Contents
Xuất khẩu nông sản là điểm sáng nhất trong bức tranh xuất khẩu cả nước năm 2023, góp phần quan trọng vào mức xuất siêu 28 tỉ USD, tạo ra giá trị kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỉ USD trở lên của hơn 10 mặt hàng nông sản. Xuất khẩu nông sản đã tạo ra bốn mảng màu sáng. Một là, quy mô không ngừng tăng.
Hai là, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo hướng tích cực, giảm hàm lượng thô, tăng sản phẩm chế biến. Ba là, hàng xuất khẩu tiếp tục được mở rộng, đa dạng, phong phú về chủng loại, tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Và cuối cùng là xuất khẩu nông sản đóng góp quan trọng giữ cán cân thương mại xuất siêu nhiều năm qua.
Để nâng cao giá trị nông sản, cần sự tiếp cận tổng thể, sự phối hợp đa ngành và giải quyết liên ngành để nông sản phát triển bền vững trong tương lai.
Cần sớm hình thành các tổ hợp đủ mạnh để hỗ trợ, chủ động ứng phó, tạo ra giá trị gia tăng dựa trên khai thác hiệu quả các nguồn lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
TS Trần Hữu Hiệp
Công nhân dệt may làm việc tại Công ty TNHH Việt Thắng Jean, TP Thủ Đức, TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Ông Đặng Phúc Nguyên (tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam):
Lạc quan!
Năm 2024, Bộ NN&PTNT đặt ra mục tiêu kim ngạch xuất khẩu rau quả là 4,5 tỉ USD. Nhưng mới có 11 tháng năm 2023, xuất khẩu rau quả thu luôn về 5,6 tỉ USD.
Dấu ấn này có được nhờ sự “ghi điểm” của sầu riêng, thu về 2,4 tỉ USD (từ năm 2021 trở về trước chỉ xuất khẩu được khoảng 200 triệu USD/năm). Vì thế mà tôi hoàn toàn hy vọng năm 2024 ngành hàng rau quả sẽ đạt con số 6-7 tỉ USD.
Chúng ta có cơ sở để có niềm tin như thế là bởi Trung Quốc mỗi năm chi 15 tỉ USD cho nhập khẩu trái cây. Thị phần của VN năm nay dự kiến chiếm khoảng 25 – 30%, chỉ sau Thái Lan và Chile.
Trong tương lai, quy mô thị trường Trung Quốc có thể nhân lên gấp đôi, tức 30 tỉ USD. Do vậy, cơ hội vô cùng lớn cho doanh nghiệp Việt nếu thị trường 1,4 tỉ dân này mở cửa thêm cho các sản phẩm như sầu riêng đông lạnh, bưởi da xanh, bơ, dừa tươi… của VN.
Ông Nguyễn Đình Tùng (tổng giám đốc Công ty Vina T&T, TP.HCM):
Sầu riêng thắng lớn!
Lượng sầu riêng xuất khẩu năm 2023 của đơn vị tăng gấp khoảng 10 lần so với 2022, giá trị vì thế cũng tăng rất mạnh.
Theo đó, trong tổng lượng xuất, Trung Quốc chiếm đến 85%, còn lại là số thị trường khác như Mỹ, châu Âu, Canada… Năm 2023, chúng ta mới thật sự tận dụng được nghị định thư để xuất sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc, nhờ đó sản lượng và giá trị xuất khẩu chung của mặt hàng này mới tăng mạnh.
Năm 2024 sẽ tiếp tục là năm của sầu riêng, giá mặt hàng này khả năng duy trì ở mức tốt bởi dư địa tại thị trường Trung Quốc vẫn còn rất lớn.
Trong khi đó, nguồn cung các nước như Thái Lan, Việt Nam, Campuchia… dù tăng nhưng không thể đáp ứng đủ nhu cầu của quốc gia tỉ dân này.
Cụ thể, là thị trường tiêu thụ chính nhưng hiện chỉ khoảng 300 – 400 triệu người Trung Quốc được tiếp cận với sầu riêng. Ngoài ra, hơn 100 triệu dân trong nước cũng là thị trường quan trọng mà chúng ta chưa khai thác tốt.
Ông Phạm Xuân Hồng (chủ tịch Hội Dệt may – thêu đan TP.HCM):
Dệt may sẽ dần phục hồi
Doanh nghiệp dệt may kỳ vọng sự phục hồi của thị trường vào năm 2024 để tăng xuất khẩu, đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động.
Các doanh nghiệp dự đoán trong năm 2024 nhu cầu người dân sẽ dần phục hồi, kéo theo ngành dệt may cũng tăng trưởng. Tuy nhiên, mức độ phục hồi vẫn còn phụ thuộc lớn vào tình hình thị trường thế giới; có những thị trường vẫn còn bất định, thậm chí có thể bị đảo chiều.
Trước đây, doanh nghiệp có thể xây dựng kế hoạch trước cả năm, còn giai đoạn này mọi kế hoạch phải ngắn hạn hơn, thậm chí tính theo tháng.
Để có đơn hàng trong giai đoạn tới, các doanh nghiệp phải tiếp tục tìm kiếm, mở rộng các thị trường mới bên cạnh các thị trường truyền thống, thị trường sụt giảm.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải cạnh tranh hơn về giá, chất lượng, chấp nhận các đơn hàng nhỏ, lợi nhuận thấp và đa dạng hơn nữa những mặt hàng, tăng tốc sản xuất những mặt hàng mà người dân đang có nhu cầu giai đoạn này.
Ông Nguyễn Văn Khánh (phó chủ tịch Hội Da giày TP.HCM):
Nỗ lực tìm thị trường ngách
Trong năm 2024 này, các doanh nghiệp da giày Việt vẫn nỗ lực để tìm kiếm đơn hàng, thậm chí tìm những thị trường ngách, để có được công ăn việc làm. Trong đó, doanh nghiệp phải có những chiến lược linh hoạt về giá cả, về chất lượng sản phẩm, thậm chí trường hợp huề vốn doanh nghiệp vẫn xem xét làm để vận hành bộ máy, công nhân có công việc.
Bản thân doanh nghiệp cũng kỳ vọng tình hình thế giới ổn định, sức mua của người dân đối với các thị trường chủ lực tăng trở lại sẽ khiến các doanh nghiệp trong ngành có động lực sản xuất.
Ông Phạm Văn Việt (tổng giám đốc Việt Thắng Jean):
Cải tiến công nghệ, tăng chất lượng
Doanh nghiệp phải đẩy mạnh hơn nữa việc đổi mới công nghệ để sản xuất những sản phẩm chất lượng, có tính cạnh tranh cao trong bối cảnh sự phục hồi chậm như hiện nay. Khi đã thay đổi công nghệ, doanh nghiệp cũng tiếp tục mở rộng thị trường mới như Trung Đông, châu Phi, Nga… bên cạnh những thị trường quen thuộc đối với ngành may như EU, Mỹ.
Bên cạnh đó, việc sản xuất các mặt hàng cũng phải đa dạng hơn, từ hàng thời trang, theo mùa đến các sản phẩm mặc thường nhật, đồng phục, hàng bình dân… Với những nỗ lực của doanh nghiệp cũng như dự báo về thị trường, khả năng các doanh nghiệp ngành may sẽ phục hồi vào nửa cuối 2024.
Lúa gạo sẽ tăng trưởng mạnh, hy vọng vào thủy sản
Chính quyền và các doanh nghiệp kỳ vọng trong năm 2024 giá trị lúa gạo xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh. Trái ngược, ngành thủy sản lại đang gặp khó khăn.
Ngay ngày đầu năm mới, ông Phạm Thái Bình, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ), nhìn lại: Năm 2023 được xem là năm thắng lợi của ngành nông nghiệp Việt Nam khi có giá trị nông sản xuất khẩu tăng trưởng rất lớn, vượt kỳ vọng.
Năm 2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam trên 7,7 triệu tấn, với giá trị hơn 4,4 tỉ USD – Ảnh: BỬU ĐẤU
Lúa gạo tiếp tục lên giá
Theo ông Bình, năm 2024, với sự chỉ đạo lãnh đạo của tư lệnh ngành Bộ NN&PTNT cùng vào cuộc với chính quyền các địa phương thì việc thực hiện đề án 1 triệu hec ta lúa chất lượng cao và giảm phát thải thấp đang được kỳ vọng sẽ hoàn thành.
Đây sẽ là điều kiện giúp phát triển ngành gạo hơn nữa. “Dưới góc độ của doanh nghiệp xuất khẩu gạo, việc triển khai đề án 1 triệu hec ta lúa chất lượng cao và giảm phát thải thấp, chúng tôi rất muốn đề án này được thực hiện ngay vào năm 2024. Tuy nhiên, cần có những giải pháp để doanh nghiệp và nông dân tiếp cận.
Đặc biệt là nông dân phải sản xuất lúa giảm phát thải thấp để nâng cao chất lượng, nâng cao giá trị hạt gạo. Doanh nghiệp rất kỳ vọng những giải pháp cụ thể của Bộ NN&PTNT. Năm 2023 bộ đã điều hành ngành nông nghiệp rất thành công và chúng tôi tin năm 2024 chắc chắn sẽ thắng lợi hơn nữa”, ông Bình nói thêm.
Về tình hình xuất khẩu gạo năm 2024 sắp tới, ông Phạm Thái Bình dự báo chắc như đinh đóng cột: giá lúa gạo sẽ tiếp tục tăng nữa.
Tuy thế, các doanh nghiệp sẽ không còn “sốc” vì giá lúa tăng bất thường mà họ đã có sự chủ động từ trước. Với việc triển khai nhiều giải pháp phát triển ngành hàng lúa gạo thì giá trị xuất khẩu gạo năm 2024 của Việt Nam sẽ tiếp tục thắng lớn hơn nữa.
Ông Lê Hữu Toàn, giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, cũng kỳ vọng giá trị hạt gạo ĐBSCL mang lại nhiều thành quả hơn nữa trong năm 2024. “Để đạt được điều ấy thì ngành lúa gạo cần sớm có thương hiệu gạo quốc gia.
Chúng tôi mong muốn điều này dữ lắm. Tôi cũng mong muốn trong năm mới này, nông dân sản xuất gắn với giảm phát một cách đồng bộ từ ngành chăn nuôi đến trồng trọt và thủy sản.
Kỳ vọng cuối cùng của tôi là hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL sẽ được quan tâm thực hiện đồng bộ. Từ đó giúp nông dân, ngành nông nghiệp, đặc biệt là mặt hàng lúa gạo, của vùng ĐBSCL ngày càng phát triển hơn nữa”, ông Toàn nói.
Hy vọng tôm, cá
Nói về những khó khăn của con tôm xuất khẩu, ông Hồ Quốc Lực, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta, cho biết bước qua năm 2024 các khó khăn của ngành tôm Việt dự báo vẫn hiển hiện.
Tuy nhiên với sự dạn dày trên thương trường, các doanh nhân tôm đã biết chuyển thách thức đó thành kinh nghiệm, bản lĩnh cho mình để bước vào năm mới với tâm thế giảm đi áp lực, tự tin hơn.
Tuy nhiên, bất lợi “chí tử” của ngành tôm là giá thành tôm nuôi quá cao chưa thể khắc phục ngay trong thời gian ngắn, do vậy sẽ đòi hỏi nỗ lực của cả chuỗi giá trị ngành hàng tôm một cách mạnh mẽ hơn bao giờ hết để hy vọng đạt kết quả hơn trong năm mới.
Trong khi đó, ông Trần Văn Phúc, giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, cho biết năm 2023 tỉnh Bình Định xuất khẩu hải sản đạt 110 triệu USD, thấp hơn năm 2022 khoảng 50 triệu USD.
“Hiện nay, Bình Định có sáu nhà máy chế biến hải sản với công suất khoảng 17.000 tấn/năm. Sản lượng khai thác thủy, hải sản của Bình Định đạt 270.000 tấn và 14.000 tấn thủy hải sản nuôi trồng.
Đây là nguồn nguyên liệu rất dồi dào để phục vụ việc xuất khẩu hải sản. Năm 2024, với tình hình hiện nay, nếu kinh tế ổn định sẽ tạo điều kiện mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Hải sản xuất khẩu chủ lực của Bình Định là hàng đông lạnh, đặc biệt là cá ngừ đại dương. Năm nay, dự kiến tổng giá trị hải sản xuất khẩu của Bình Định ước đạt 160 triệu USD và sản phẩm từ cá ngừ đại dương vẫn là mặt hàng chủ lực”, ông Phúc thông tin.
Nói thêm về những khó khăn, ông Hoàng Ngọc Bình, giám đốc vận hành Công ty Australis (một công ty Mỹ hiện đang đầu tư nuôi thủy sản tại Khánh Hòa), cho hay ngành xuất khẩu thủy sản của Việt Nam hiện đối mặt với nhiều rào cản kỹ thuật ngày càng khắt khe về an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, trong khi các yếu tố bền vững, năng lực cạnh tranh chưa cao, chưa đẩy mạnh chế biến sâu…
“Để đưa mặt hàng thủy sản của Việt Nam tiến sâu vào các thị trường khó tính, chúng ta cần phải xây dựng một chuỗi liên kết từ khai thác, chế biến đến xuất khẩu và phải tuân thủ các điều kiện mà thị trường đó đưa ra”, ông Bình nói.
Còn ông Võ Khắc Én, phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa, cho hay năm 2023 lạm phát khiến nhu cầu tiêu thụ giảm ở các thị trường chính và tác động đến sản xuất trong nước khiến lượng đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp thủy sản giảm, lượng tồn kho tăng.
Thị trường khó khăn, sản xuất nguyên liệu trong nước cũng bị chững lại. Nhưng chi phí sản xuất nguyên liệu tăng cao cùng với sự tăng giá bao bì, vật tư, năng lượng, nhân công… trong khi thủy sản Việt Nam đang bị áp lực cạnh tranh về nguồn cung và giá bán với các nước khác.
“Để có thể đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản, các doanh nghiệp cần đảm bảo tài chính để duy trì sản xuất ổn định, sẵn sàng nguồn nguyên liệu khi thị trường tiêu thụ hồi phục”, ông Én nói.
Ông Trương Đình Hòe, tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), đánh giá có những khó khăn trong năm qua nhưng vẫn hy vọng thủy sản sẽ vượt lên để tăng tốc kim ngạch xuất khẩu trong năm 2024.
Ngành thủy sản đặt ra mục tiêu tăng 3,7 – 4%, tức đạt khoảng 9,5 tỉ USD trong năm 2024 (năm 2023 là 9,2 tỉ USD). Con số này đặt ra trong bối cảnh nhu cầu nhập khẩu chưa có dấu hiệu hồi phục và sự cạnh tranh mạnh mẽ của các thị trường.
Nhưng để có con số “vui tươi lấp lánh” với thủy sản trong năm mới thì cần đi sâu vào thị trường Trung Quốc.
Chúng ta phải xem xét lại cách chế biến để gia tăng giá trị sản phẩm chủ lực nhằm nâng cao kim ngạch xuất khẩu; tăng trưởng xanh, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước cũng như xu hướng thị trường tiêu dùng thế giới thời gian tới.
Bảo Ngọc và các tác giả
Nguồn: Báo Tuổi trẻ