Xuất khẩu nông lâm thủy sản trong 5 tháng đầu năm 2022 tiếp tục lập kỳ tích khi có tới 9 mặt hàng/nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD. Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản là 3 thị trường mua nông sản Việt Nam nhiều nhất.
Thu 23,2 tỷ USD xuất khẩu nông sản do Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản mua lượng lớn
Báo cáo của Bộ NNPTNT cho thấy, công tác tổ chức sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phối hợp xây dựng cơ chế, chính sách xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa, phát triển thị trường nông sản của Bộ NNPTNT đã đạt kết quả khả quan, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản là 3 thị trường mua nông sản Việt Nam nhiều nhất
Cụ thể, Bộ NNPTNT đã phối hợp với các đại sứ quán, tham tán thương mại, tham tán nông nghiệp tăng cường xúc tiến, quảng bá theo hình thức trực tuyến (online) đối với các sản phẩm đã được mở cửa, xuất khẩu chính ngạch gắn liền với các hoạt động ngoại giao của Chính phủ và của Bộ vào các thị trường lớn (Trung Quốc, Mỹ, EU, Nga, Brazil) và khai thác hiệu quả các thị trường tiềm năng (Nhật Bản – Hàn Quốc, ASEAN, Úc – New Zealand, Trung Đông).
“Thị trường tiêu thụ được mở rộng cả trong và ngoài nước, xuất khẩu nông sản tăng nhanh cả về sản lượng, giá trị và tỷ trọng sản phẩm chất lượng cao. Việt Nam đứng thứ 15 thế giới, thứ hai khu vực Đông Nam Á về xuất khẩu nông sản”.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
Nhờ đó, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 5 tháng đầu năm 2022 đạt 23,2 tỷ USD, tăng 16,8%.
Trong đó nhóm nông sản chính trên 9,4 tỷ USD, tăng 10,4%; lâm sản chính gần 7,7 tỷ USD, tăng 7,6%; thủy sản gần 4,8 tỷ USD, tăng 46,3%.
Đáng chú ý, đã có 9 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD (cà phê, cao su, điều, rau quả, gạo, cá tra, tôm, sản phẩm gỗ, đầu vào phục vụ sản xuất), trong đó rau quả 1,5 tỷ USD, gạo 1,4 tỷ USD (2,9 triệu tấn), cá tra 1,2 tỷ USD, tôm 1,9 tỷ USD.
Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất (Mỹ chiếm tỷ trọng 28%, tăng 17,1%; Trung Quốc chiếm 17,8%, tăng 6,8% và Nhật Bản chiếm 7%, tăng 19,5%).
Điều đáng ghi nhận là, các loại quả tươi chủ lực như xoài, thanh long, chanh leo, nhãn, vải… đã xuất khẩu đi nhiều quốc gia, đặc biệt là các thị trường lớn như EU, Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Trung Quốc, Trung Đông, ASEAN…
Xây dựng phương án tiêu thụ phù hợp
Thị trường đang xuất hiện xu hướng tiêu dùng mới, trong đó có ngành hàng trái cây. Nhiều xu hướng tiêu dùng mới mà các doanh nghiệp cần phải hết sức lưu tâm, thay đổi cho phù hợp như: Thực phẩm dựa trên nguồn gốc thực vật; xu hướng trở về với cội nguồn; đề cao trách nhiệm chung của ngành hàng trái cây; thay đổi mức tiêu dùng sau đại dịch; tiếng nói của người tiêu dùng…
Do vậy, Sở NNPTNT các tỉnh cần rà soát kỹ thời vụ, sản lượng của từng nhóm sản phẩm trái cây cụ thể, điểm rơi thu hoạch để xây dựng phương án tiêu thụ phù hợp. Nếu xác định chính xác điểm rơi mùa vụ, sẽ thuận lợi cho việc phát triển thị trường tiêu thụ.
Hiệp hội Rau quả Việt Nam cần tăng cường thông tin, trao đổi giữa các doanh nghiệp trong Hiệp hội và đối tác nước ngoài để kịp thời nắm bắt những khó khăn, cùng nhau bàn giải pháp tháo gỡ kịp thời.
Ông Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản
Chú trọng sản xuất an toàn, chất lượng
Qua các hội chợ quốc tế, một điểm mà các doanh nghiệp Việt Nam nên học hỏi ở bạn bè các nước là tính tuân thủ, bảo vệ thương hiệu nông sản quốc gia.
Khi các doanh nghiệp tham gia cùng một ngành nghề, lĩnh vực, cần thay đổi tư duy theo hướng bảo vệ cái chung, đặt cái chung lên trên, nhất là những sản phẩm chủ lực.
Đối với sầu riêng, sản phẩm của Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh với các nước. Tuy nhiên, để làm được điều này, ngoài sự tự tin cũng nên học hỏi những cách làm hay ở các nước làm tốt như Thái Lan… trong việc từng bước nâng tầm thương hiệu sản phẩm này. Cụ thể: Xây dựng được những đội, nhóm, đi đến từng vườn để kiểm tra chất lượng, tính toán được các chỉ số để cho ra sản phẩm có độ đồng đều, chất lượng cao nhất. Bên cạnh đó, giúp HTX, người sản xuất phải thay đổi tư duy theo hướng chú trọng sản xuất an toàn, chất lượng.
Bà Ngô Tường Vy – Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu
P.V (ghi)
Hiện chúng ta đang đàm phán mở cửa thị trường cho các loại nông sản chủ lực như: sầu riêng, khoai lang, ớt, chanh leo, nhãn, bưởi sang các thị trường như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Úc, New Zealand…
Đối với sản phẩm chăn nuôi, đến nay, 11 nhà máy của 7 công ty được xuất khẩu chính ngạch các loại sản phẩm sữa sang Trung Quốc.
Chúng ta đang tiếp tục đàm phán để xuất khẩu sản phẩm thịt gà chế biến sang Hàn Quốc, Singapore, EU, Anh, các nước Trung Đông.
Đến nay, có 7 nhà máy của 5 doanh nghiệp được cấp phép xuất khẩu thịt lợn đông lạnh vào Hongkong; mật ong đã xuất khẩu chính ngạch sang Mỹ, châu Âu và một số thị trường khác…
Về sản phẩm thủy sản, Mỹ tiếp tục công nhận tương đương và bổ sung 6 doanh nghiệp, nâng tổng số lên 19 doanh nghiệp được phép chế biến, xuất khẩu sản phẩm cá da trơn. EU công nhận bổ sung 14 doanh nghiệp, nâng tổng số lên 531 doanh nghiệp được xuất khẩu…
Về lâm sản xuất khẩu, các thị trường lớn xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam là: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU… Giá trị xuất khẩu lâm sản và lâm sản ngoài gỗ tăng theo hàng năm.
Nổi bật nhất là xuất khẩu nông sản tăng 16,8% các mặt hàng nông sản chủ lực.
Tiếp tục duy trì xuất khẩu hồ tiêu đứng đầu thế giới; xuất khẩu cà phê đứng thứ hai thế giới; xuất khẩu gạo đạt gần 3 triệu tấn, tăng 10,3%; xuất khẩu rau quả đạt 1,4 tỷ USD; xuất khẩu thủy sản đạt 4,79 tỷ USD, tăng 46,3%; xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 7,2 tỷ USD, tăng 6,9%.
Đây là những kết quả rất đáng khích lệ, tiếp tục khẳng định nông nghiệp luôn là trụ đỡ của nền kinh tế.
Tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản sang Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan, thị trường tiêu thụ nông sản không ổn định, nhất là trong giai đoạn dịch Covid-19; chi phí giá thành còn cao dẫn tới hiệu quả kinh tế một số sản phẩm còn thấp, chưa tương xứng với mức độ đầu tư.
Công tác đàm phán kỹ thuật thường kéo dài, nhiều mặt hàng nông sản có lợi thế vẫn chưa được cấp phép xuất khẩu để tận dụng các ưu đãi từ cắt giảm thuế quan thực thi các hiệp định thương mại đã có hiệu lực.
Chi phí lưu thông, vận chuyển hàng hóa trên thế giới tiếp tục ở mức cao, tình trạng thiếu container, thiếu tàu vận chuyển hàng nông sản đã ảnh hưởng mạnh đến hoạt động xuất, nhập khẩu nông sản.
Đề xuất sửa đổi, bổ sung Quyết định số 72/2010 của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, theo hướng bổ sung các nội dung liên quan đến hỗ trợ, tư vấn phát triển sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản đáp ứng nhu cầu các phân khúc thị trường trong nước; hỗ trợ tổ chức các cuộc thi, hội thi ngành hàng, giúp khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp và hợp tác xã.
Triển khai chủ động, có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do với các nước, khu vực trên thế giới; đàm phán, tháo gỡ rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại và mở cửa thị trường xuất khẩu chính ngạch thêm nhiều nông sản vào thị trường lớn và tiềm năng như: Trung Quốc (sầu riêng, tổ yến, chanh leo, bơ, bưởi, na, roi, dừa…), Nhật Bản (nhãn, bưởi, chanh leo, xuất khẩu gia cầm đã qua xử lý nhiệt), Hàn Quốc (tôm, bưởi, vú sữa, chanh leo, nhãn, vải, chôm chôm, thịt gia súc, gia cầm chế biến, trứng gia cầm chế biến), Myanmar (bưởi, xoài), Thái Lan (chôm chôm, bưởi, chanh leo, na, vú sữa),…
Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương phát triển sản xuất gắn với xuất khẩu. Phối hợp đẩy mạnh việc xây dựng nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm thế mạnh của địa phương và các sản phẩm quốc gia, sản phẩm vùng.
Phối hợp chặt chẽ với các Bộ: Ngoại giao, Công Thương, các địa phương tổ chức các diễn đàn trong nước và quốc tế giới thiệu và quảng bá sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đến với các doanh nghiệp phân phối, người tiêu dùng.
Theo danviet.vn