Sau chuyến khảo sát tại Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu (đợt 1), từ ngày 03 – 06/02/2015, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam tiếp tục tổ chức chuyến khảo sát (đợt 2) tại một số vùng trồng tiêu trọng điểm thuộc Bình Phước, Đăk Nông, Đăk Lăk và Gia Lai.
Tham gia khảo sát (đợt 2) gồm đại diện các đơn vị Hội viên và Văn phòng Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam. Đợt khảo sát nhằm mục đích đánh giá kết quả sản xuất vụ hồ tiêu 2015: diện tích, năng suất, sản lượng và những vấn đề lớn tác động tới kết quả sản xuất.
Để bảo đảm thông tin được đầy đủ, ngoài việc khảo sát vườn tiêu và phỏng vấn trực tiếp các chủ vườn (chọn hộ năm trước đã tới khảo sát để so sánh), đoàn còn trao đổi ý kiến với lãnh đạo và các cán bộ chuyên môn thuộc các Sở NN&PTNT Bình Phước, Đăk Nông, Đăk Lăk … . Kết quả khảo sát cụ thể như sau:
1. Tại Bình Phước
Số liệu thống kê tổng diện tích hồ tiêu Bình Phước hiện nay là 9.000 ha nhưng trên thực tế đã là 12.067 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch khoảng gần 9.000 ha, tăng lên đáng kể. Sản lượng vụ tiêu 2015 do vậy ước đạt khoảng trên 27.000 tấn.
Khảo sát cụ thể 3 hộ trồng tiêu tại ấp 4, xã Lộc An, huyện Lộc Ninh trên tổng diện tích gần 12 ha, cho thấy năng suất và sản lượng tiêu ở đây khá biến động phụ thuộc nhiều vào tuổi vườn tiêu và giống. Những vườn tiêu đã thu hoạch trên 10 năm, năng suất giảm tới 30 – 40% so với vụ 2014. Vườn tiêu trồng mới thu hoạch 2 – 3 năm, năng suất giảm khoảng 10 %. Vườn tiêu trồng giống Vĩnh Linh cho năng suất thấp hơn khá rõ so với vườn tiêu trồng giống tiêu Trung Lộc Ninh, có những vườn tiêu Vĩnh Linh gần như không cho trái trong khi vườn trồng giống Trung Lộc Ninh, đươc chăm sóc kỹ lưỡng, dùng phân hữu cơ, có cây trụ sống có khả năng che bóng tốt thì vẫn cho trái gần như năm trước.
Nguyên nhân năng suất các vườn tiêu ở Bình Phước vụ 2015 giảm chủ yếu là do thời tiết bất lợi thời kỳ tiêu ra hoa (khoảng tháng 5 – 7/2014). Mưa không đều, mưa đúng thời điểm nở rộ khiến hoa bị thui, trái non rụng hàng loạt, đặc biệt ở những vườn có hệ thống tán che kém. Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác thường xảy ra ở một số vườn tiêu mới trồng, chủ hộ không có kinh nghiệm canh tác tốt, bón phân không đúng lúc hoặc bón mất cân đối, tưới nước, làm bồn không chú ý tới độ dốc đặc thù của vườn, buộc dây tiêu quá chặt v.v…
Nhìn chung các hộ được khảo sát đều cho rằng sản lượng vụ tiêu 2015 của hộ mình ước giảm 20 – 25% so với vụ 2014.
Tuy nhiên, nhìn trên tổng thể, sản xuất hồ tiêu của Bình Phước vài năm trở lại đây có nhiều tín hiệu tốt. Đó là diện tích sản xuất hồ tiêu theo hướng bền vững, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ có chiều hướng phát triển. Theo Sở NN & PTNT Bình Phước, nhờ sự quyết tâm phối hợp của một số doanh nghiệp hồ tiêu với các cơ quan quản lý nông nghiệp tỉnh, huyện, xã và các hộ trồng tiêu, từ năm 2013 Bình Phước đã hình thành được 9 câu lạc bộ với 202 hộ trồng tiêu tham gia. Năm 2014 mở rộng thêm 13 câu lạc bộ và năm 2015 dự kiến thêm 15 câu lạc bộ với tổng số trên 600 hộ tham gia. Các CLB trồng tiêu ra đời khiến nông dân được tiếp cận tốt hơn với các kỹ thuật canh tác tiên tiến, đăc biệt là kỹ thuật sử dụng phân bón, sử dụng thuốc BVTV đúng lúc, đúng cách, sử dụng giống sạch bệnh, sử dụng nước tưới hợp lý v.v… giúp vườn tiêu duy trì sức khoẻ tốt, ít bị thiệt hại khi gặp điều kiện bất lợi. Đồng thời, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm hạt tiêu khi thu hoạch đảm bảo yêu cầu khắt khe của thị trường.
Nhiều mô hình trồng tiêu còn đạt tiêu chuẩn cao hơn, như đạt chứng chỉ RA (Rain forest Alliance), một hình thức sản xuất ngoài yếu tố chất lượng còn đảm bảo vấn đề về môi trường, về xã hội… Điển hình như mô hình liên kết giữa Công ty Nedspice và các CLB nông dân, có sự hỗ trợ của lực lượng Khuyến nông và Chi cục BVTV Tỉnh. Điểm khác biệt của hình thức liên kết sản xuất này là đã giúp nông dân trồng tiêu ở đây nắm rõ hơn về qui trình canh tác tiêu an toàn bền vững, có chất lượng theo yêu cầu thị trường, được cam kết tiêu thụ, được cân đong tử tế nên không sợ rủi ro và thua thiệt. Chính nhờ cách tổ chức CLB sản xuất này mà vụ tiêu 2015 này nhiều hộ đã bán 100 % sản lượng cho Công ty Nedspice với giá cao hơn 20.000đ/kg so với bán cho thương lái như các năm trước.
2. Tại Đăk Nông
Theo số liệu thống kê năm 2014 của tỉnh, tổng diện tích hồ tiêu Đăk Nông khoảng 11.466 ha, trong đó diện tích trồng mới 2014 tăng thêm 3.000 ha, nhưng theo Sở NN&PTNT Đăk Nông, tổng diện tích thực tế hiện cao hơn khá nhiều, đạt khoảng 14.720 ha, năng suất trung bình 21 tạ/ha. Ước sản lượng vụ tiêu 2015 của Đăk Nông đạt khoảng 19.000 tấn, cao hơn vụ 2014 khoảng 3.000 tấn. Tháng 1/2015 là tháng cao điểm thu hoạch hồ tiêu của Đăk Nông.
Khảo sát cụ thể một số hộ trồng hồ tiêu ở Đăk Song: Trang trại Thu Thuỷ 30 ha, canh tác tiêu theo mô hình sinh thái, năm 2014 một số diện tích bắt đầu cho thu hoạch, được 18 tấn ; vụ 2015 gặp mưa thời kỳ ra hoa khiến năng suất giảm, thu hoạch khoảng 10 tấn. Hộ Võ Văn Khuân, có 12 ha tiêu, 8 ha tiêu đã già cỗi, năng suất kém, 4 ha tiêu trẻ, năng suất tương đương năm 2014. Hộ Đào Văn Ngà, có 10 ha (18.000 trụ) tiêu trẻ, năm 2014 thu 40 tấn, năm 2015 chết 800 trụ, năng suất giảm, ước thu 30 tấn.
Kết quả trao đổi với cơ quan nông nghiệp Tỉnh và hộ trồng tiêu cho thấy nhìn chung ở Đăk Nông tình hình tiêu chết vụ tiêu 2015 ít hơn các tỉnh khác. Ở hầu hết các huyện, tiêu chết lác đác trong các vườn nên không thể thống kê, ước khoảng 100 ha/năm, riêng năm 2014 cao hơn, mất khoảng 303 ha. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêu chết thấp hơn so với những năm 2005 – 2008. Nguyên nhân tỷ lệ tiêu chết giảm so với trước do người trồng hồ tiêu ở Đăk Nông đã rút được nhiều bài học từ những năm 2004 – 2005, lúc đó diện tích tiêu phát triển cực mạnh ở Đăk R’Lâp nhưng bị dịch bệnh xoá sổ. Từ 2006, ngoài một số hộ Đăk R’Lấp rút được nhiều bài học kinh nghiệm trong sản xuất nên vụ này ít bị thiệt hại, còn đa phần do vùng trồng hồ tiêu ở Đăk Nông chuyển dần sang các huyện mới như Đăk Song, Cư Jut, Đăk Mil, Tuy Đức v.v… Hồ tiêu trồng trên nền đất mới nên ít bị sâu bệnh . Thêm nữa, Sở NN&PTNT đã triển khai khá mạnh hoạt động khuyến nông, đội ngũ cán bộ kỹ thuật đã tiếp cận đến tận xã ấp, tập huấn, hướng dẫn nông dân kỹ thuật trồng tiêu, sử dụng thuốc BVTV v.v… theo quy trình SX bền vững nên nhiều nơi đang chuyển sang hướng canh tác bền vững, không quá chạy theo năng suất, sử dụng quá mức phân hoá học.
Tuy vậy, có thể nói xu hướng sản xuất hồ tiêu ở Đăk Nông cũng đang ẩn chứa nhiều rủi ro. So với các địa phương có tiềm năng phát triển hồ tiêu khác, Đăk Nông là nơi có diện tích tăng nhanh nhất và vẫn chưa có dấu hiệu chậm lại nên các cơ quan quản lý hiện chưa thống kê được số liệu tăng chính xác. Khá nhiều nơi của Đăk Nông, nông dân chuyển diện tích đang trồng cao su, cà phê sang trồng tiêu. Nông dân chặt ngọn cao su, dùng ngay chính cây cao su làm trụ tiêu. Nhiều vùng đất có độ dốc trên 8 %, theo qui hoạch của Bộ NN&PTNT là không phù hợp cho trồng hồ tiêu nhưng nông dân nơi đây vẫn phát triển.
Cũng như các địa phương khác trong cả nước, giống hồ tiêu ở Đăk Nông hiện vẫn chưa theo kịp sự phát triển của sản xuất nên tiềm ẩn rủi ro rất cao do nông dân sử dụng giống trôi nổi, không kiểm soát được chất lượng, dịch bệnh… đặc biệt là không thể thực hiện được vấn đề truy nguyên nguồn gốc vốn là nền tảng cơ bản cho cách thức sản xuất hồ tiêu bền vững, theo chuỗi giá trị để tạo giá trị cao hơn cho mặt hàng hồ tiêu khi tham gia thị trường thế giới mặc dù Đăk Nông đã có chính sách hỗ trợ tới 50 % chi phí để làm hồ tiêu theo tiêu chuẩn RA hoặc Global GAP
Một điểm yếu quan trọng nữa trong sản xuất hồ tiêu Đăk Nông là gần như không có mô hình nào sản xuất và tiêu thụ theo hợp đồng, liên kết nông dân với doanh nghiệp để giảm thiểu rủi ro thị trường. Nông dân Đăk Nông thu hoạch tiêu xong (chủ yếu trong tháng 1) phần lớn bán ngay cho thương lái tạo lượng cung ồ ạt khiến giá tiêu giảm, trong tháng 1/2015 chỉ khoảng 150.000 đ/kg tiêu đầu giá trong khi xu thế thị trường hồ tiêu thế giới cầu vẫn lớn hơn cung.
3. Tại Đăk Lăk
Khảo sát vùng trồng tiêu chuyên canh lớn nhất của tỉnh là huyện Ea H’Leo (có diện tích tiêu gần 4.000 ha), riêng xã Ea H’Leo có 1.600 ha tiêu (trong đó 100 ha tiêu già trên 10 năm). Kết quả khảo sát cho thấy đây là vùng có mức độ đầu tư thâm canh cao, dùng nhiều phân hoá học, nông dân có nhiều kinh nghiệm sản xuất nhưng vụ 2015 năng suất, sản lượng phần lớn các vườn ở đây đều kém, đặc biệt ở diện tích tiêu già trên 10 năm. Thêm nữa, khí hậu thời tiết Đăk Lăk năm 2014 diễn biến bất thường, mưa tháng 6 đúng thời điểm hoa nở rộ khiến tỷ lệ đậu hạt thấp
Khảo sát 3 hộ, đều là những hộ có diện tích tiêu khai thác trên 10 năm nên sản lượng những vườn này suy giảm mạnh. Hộ Nguyễn Thị Liên, có 2 ha tiêu (3.700 trụ), năm 2014 thu 9 tấn, năm 2015 chết khoảng 200 trụ, nhưng ước thu chỉ được 5 tấn. Hộ Nguyễn Văn Giả có 5 ha, năm 2014 thu 12 tấn, năm 2015 chết 400 trụ, thu khoảng 7 tấn. Hộ Lê Mỹ có 10 ha, năm 2014 thu 60 tấn, năm 2015 chết 200 trụ, ước thu chỉ khoảng 30 tấn. Ở những diện tích tiêu trẻ 4 – 5 năm, cây trông khá sung mãn nhưng trái cũng thưa.
Cán bộ xã Ea H’Leo cho biết sản lượng tiêu thu hoạch vụ 2014 toàn xã đạt 1.700 tấn, vụ 2015 ước chỉ đạt 1.200 tấn (giảm gần 30 %).
Tuy nhiên, nhìn chung theo Sở NN&PTNT Đăk Lăk, từ năm 2010 trở lại đây, diện tích và năng suất hồ tiêu Đăk Lăk vẫn tăng mạnh do giá tiêu hấp dẫn so với trồng cà phê… khiến diện tích theo số liệu thống kê của Tỉnh năm 2014 chỉ khoảng trên 11.000 ha trong đó khoảng 7.000 ha cho thu hoạch, cho sản lượng khoảng 21.000 tấn nhưng trên thực tế diện tích hiện lớn hơn, ước khoảng 15.000 ha nên sản lượng vụ 2015 do vậy vẫn cao hơn vụ 2014 khoảng 2.000 – 3.000 tấn.
4. Tại Gia Lai
Kết quả khảo sát sợ bộ cho thấy tình hình sản xuất hồ tiêu của Gia Lai vụ 2015 cũng tương tự năm trước. Gia Lai là tỉnh có diện tích hồ tiêu lớn nhất Tây Nguyên. Do điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết thuận lợi cho hồ tiêu, thị trường lại hấp dẫn nên từ 10 năm nay hồ tiêu Gia Lai luôn là cây đem lại cuộc sống sung túc cho nông dân. Lợi nhuận có được tốt đã khiến nông dân trồng tiêu Gia Lai không ngại đầu tư cấp tập, vùng đất nào cũng có thể đặt trụ trồng tiêu, bất kể độ dốc hay nguồn nước có phù hợp hay không, phân vô cơ và thuốc BVTV cũng được sử dụng tràn lan… Sau gần 10 năm tăng nóng nay các vườn tiêu củả Gia Lai mà hầu hết là của nông hộ nhỏ, không sản xuất theo chuỗi liên kết đã có biểu hiện “ngấm đòn”.
Khảo sát sơ bộ ở Chư Pưh, một trong 2 huyện có diện tích tiêu lớn nhất Gia Lai đều cho thấy kết quả vụ tiêu 2015 mang nhiều màu xám. Thời tiết mưa lớn tháng 4/2014 là yếu tố quan trọng nhất gây thiệt hại cho hồ tiêu Gia Lai. Hộ Nguyễn Văn Minh (xã Ia B’Lứ, huyện Chư Pưh) trồng 1.500 trụ trong đó 300 trụ kinh doanh, năm 2014 thu 1,5 tấn, năm 2015 (500 trụ kinh doanh) thu 2 tấn. Hộ Đào Tiến Tình (xã Kông H’tốc, huyên Chư Sê ) có 6 ha, năm 2014 thu trên 40 tấn, năm 2015 năng suât giảm mạnh, ước thu khoảng 20 tấn. Hộ Nguyễn Văn Cường có 10 ha, năm 2014 thu 40 tấn, năm 2015 chết 500 trụ, năng suất giảm ước còn khoảng 20 tấn. Duy có hộ Trần Bá Tình (xã Chư Sê, huyện Chư Sê ) có 1,7 ha tiêu kinh doanh đang kỳ sung mãn năng suất khá, ước 4 – 5 tấn/ha.
Các vườn tiêu khảo sát đều cho thấy những vườn không chú ý thoát nước tốt sẽ dễ bị thiệt hại, rất nhiều loại sâu bệnh đang chực chờ bùng phát như bệnh chết nhanh, chết chậm, tuyến trùng hại rễ, vi rus vàng lá, rệp sáp v.v… kết quả tất yếu từ lối canh tác “ăn xổi”, khai thác kiệt cây hồ tiêu bằng phân hoá học, thuốc kích thích v.v… Sủ dụng giống tiêu trồng ở Gia Lai cũng ảnh hưởng tới năng suất. Cùng một vườn bị thiệt hại nhưng giống tiêu Vĩnh Linh giảm tới 50% năng suất trong khi giống Lộc Ninh chỉ giảm khoảng 10%
Theo ông Lê Đình Huấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Sê, các năm 2013 – 2014 tiêu Gia Lai đã có chiều hướng đi xuống nhưng sản lượng tiêu vụ 2015 của Gia Lai ước giảm còn lớn hơn, tới 40 %.
Tuy vậy, một số nông dân trồng tiêu giỏi, có kinh nghiệm của Gia Lai đã nhìn thấy vấn đề nên đã bắt đầu xây dựng những vườn tiêu canh tác hữu cơ, bền vững, tuy chưa đến thời kỳ khai thác nhưng đã báo hiệu chiều hướng tốt cho vụ tiêu năm sau.
Đánh giá chung
1. Sản lượng hồ tiêu vụ 2015: nhìn chung giảm so với vụ 2014. Tại các hộ khảo sát, nặng nhất là các hộ ở Gia Lai sản lượng có thể giảm tới 35 – 40 %, Đăk Lăk giảm 30 %, Bình Phước, Đăk Nông khoảng 10 – 15%. Nguyên nhân sản lượng giảm chủ yếu là do thời tiết bất lợi, vườn tiêu già cỗi, lại lạm dụng phân hóa học nên suy kiệt, dễ nhiễm bệnh. Tuy nhiên ở tất cả các tỉnh trồng tiêu trọng điểm, diện tích trồng mới đã tăng mạnh 4 – 5 năm nay, đến nay đã bắt đầu cho thu hoạch, đăc biệt là 2 tỉnh Bình Phước và Đăk Nông nên đã bù lại được. Sản lượng hồ tiêu vụ 2015 do vậy không biến động đáng kể so với vụ trước;
2. Một số yếu tố kỹ thuật chi phối năng suất sản lượng: Kết quả khảo sát tại các tỉnh trồng tiêu đều cho thấy kỹ thuật canh tác là yếu tố vô cùng quan trọng tác động tới hiệu quả sản xuất hồ tiêu vụ 2015. Những nơi nông dân được tấp huấn tốt, sử dụng giống tốt, vườn sử dụng nhiều hữu cơ, kiểm soát được nước tưới (làm bồn thoát nước tốt hoặc có hệ thống tưới nước nhỏ giọt) cho năng suất vừa phải khoảng 3 tấn/ha sẽ ít bị suy giảm sản lượng.
3. Vấn đề sử dụng Carbendazim trên Hồ tiêu: Khảo sát các vùng trồng hồ tiêu trọng điểm, 100 % ý kiến phỏng vấn đều cho thấy Carbendazim là hoạt chất có trong một số thuốc BVTV dùng trên hồ tiêu lâu nay để trừ bệnh hại rất hiệu quả, đăc biệt là nấm hại. Hoá chất thường được xử lý phun gốc cây tiêu vào mùa mưa (tháng 6 – 8) nhưng sang mùa khô nông dân gần như không sử dụng vì lúc này tiêu đã kết trái, thời tiết khô nên cây tiêu rất ít bị bệnh hại. Sau khi thu hoạch, nông dân vùng Đông Nam bộ và Tây Nguyên thường phơi 2 – 3 nắng là tiêu đủ độ khô cất trữ, không phải sử dụng carbendazim để phòng trị nấm mốc. Hơn nữa hoá chất là loại có đặc tính phân huỷ nhanh (chỉ khoảng 20 ngày) nên có thể khẳng định carbendazim không tồn dư trên cây và hạt tiêu cho tới khi thu hoạch.
Tuy nhiên, do đoàn khảo sát không có được thông tin về cách bảo quản tiêu ở các đại lý thu gom nên vấn đề tồn dư Carbendazim có hay không trên hồ tiêu xuất khẩu vẫn còn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA)
Source link