Nguồn: kinhtedothi.vn
Thông tin từ Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam nhập khẩu 8,2 triệu tấn thức ăn gia súc và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (tương đương 3,4 tỷ USD), giảm 3,3% về khối lượng và 7,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Một số nguyên liệu nhập khẩu chính, gồm: Ngô hạt 3,3 triệu tấn (tương đương 1,1 tỷ USD); khô dầu các loại 2,3 triệu tấn (tương đương 1,1 tỷ USD); lúa mì và lúa mạch 978.000 tấn (321 triệu USD); bã rượu khô 450.000 tấn (166 triệu USD); cám các loại 285.000 tấn (70 triệu USD); gạo, tấm 237.000 tấn (79 triệu USD); thức ăn bổ sung 190.000 tấn (232 triệu USD)…
Số lượng nguyên liệu nhập khẩu giảm là do giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu tăng, do đó các doanh nghiệp đã tìm kiếm các nguồn thức ăn trong nước thay thế. Trung Quốc siết chặt nhập khẩu hàng nông sản từ Việt Nam trong đó có cám gạo, sắn, do đó các nguyên liệu này được sử dụng trong nước tăng lên.
Về giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, trong 6 tháng đầu năm 2023, giá ngô hạt giảm nhiều nhất (5,7%), giá bã rượu khô giảm 3,8%; giá cám gạo tăng 4,7%.
Giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm đã giảm từ 1,2 – 3,2% so với thời điểm đầu năm 2023, tuy nhiên vẫn duy trì ở mức cao so với thời điểm trước dịch Covid-19 và so với cùng kỳ năm 2022. Dự kiến giá nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi thành phẩm tiếp tục có xu hướng giảm từ nay tới cuối năm 2023 và đầu năm 2024.
Bên cạnh đó, thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong công tác kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu và thức ăn chăn nuôi sản xuất trong nước, Cục Chăn nuôi đã phát hiện và lập 8 biên bản vi phạm hành chính đối với 8 đơn vị, và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính tổng số tiền 153 triệu đồng.
Đối với thức ăn chăn nuôi nhập khẩu, Cục Chăn nuôi phát hiện 4 đơn vị có hành vi nhập khẩu thức ăn chăn nuôi có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng; 22 đơn vị có hành vi cố ý sửa chữa làm sai lệch nội dung trong hồ sơ đăng ký kiểm tra xác nhận chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu trên Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Qua đó, Cục đã lập biên bản vi phạm hành chính và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với đơn vị này với số tiền phạt là 137 triệu đồng. Đồng thời, buộc tiêu hủy 2 lô thức ăn chăn nuôi nhập khẩu; buộc tái xuất 1 lô thức ăn chăn nuôi; buộc sửa đổi thông tin chất lượng trên nhãn sản phẩm thức ăn chăn nuôi hoặc tài liệu kỹ thuật kèm theo lô sản phẩm thức ăn chăn nuôi 1 lô.
Đối với thức ăn chăn nuôi sản xuất trong nước, Cục Chăn nuôi phát hiện 2 đơn vị có hành vi sản xuất thức ăn chăn nuôi có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng (2 đơn vị này được phát hiện từ cuối năm 2022, xử lý vi phạm hành chính đầu năm 2023), đã lập biên bản vi phạm hành chính và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền phạt là 16 triệu đồng.