Tiếp sức, hỗ trợ nông dân phục hồi và phát triển nông nghiệp bền vững

Rate this post

Ngày 29/5/2022. Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân đã diễn ra tại Thành phố Sơn La với chủ đề “Tiếp sức, hỗ trợ nông dân, phục hồi, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững”.

Quang cảnh hội nghị.

ỨNG PHÓ VỚI GIÁ VẬT TƯ NÔNG NGHIỆP TĂNG CAO

Nhiều nông dân có chung câu hỏi: Thời gian vừa qua, giá cả vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi đồng loạt tăng cao, khiến nhiều nông dân chịu thua lỗ, nhiều người phải treo ao, treo chuồng. Chính phủ có chính sách, biện pháp gì để bình ổn giá vật tư đầu vào, tiếp sức, hỗ trợ nông dân?

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, cho rằng có nhiều cách để tiết kiệm chi phí đầu vào trong sản xuất.

“Tôi có đi thị sát các mô hình ở nhiều địa phương, thì nông dân đã biết cách giảm chi phí đầu vào bằng cách lựa chọn các mô hình kinh tế tuần hoàn, tận dụng các phế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp. Cách làm này đã giúp nông dân giảm đáng kể tiền mua phân bón, mua vật tư nông nghiệp, thì đó cũng là cách giảm chi phí. Hoặc chúng ta có thể vào hợp tác xã mua chung, mua sỉ các loại vật tư nông nghiệp để tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả trong sản xuất”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi ý.

“Đối với vấn đề giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, việc nhập khẩu ngô, đậu tương làm thức ăn chăn nuôi, các Bộ ngành phải nghiên cứu tìm giải pháp. Cần điều chỉnh chính sách để phát triển vùng nguyên liệu ngô, đậu tương, từ đó giảm phụ thuộc vào nhập khẩu”.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho hay, Chính phủ, các bộ ngành cũng đã nỗ lực kiểm soát tăng giá, đặc biệt là những mặt hàng có tính chiến lược, ảnh hưởng trực tiếp đến việc cấu thành giá thành sản phẩm.

“Tuy nhiên,  vấn đề trượt giá là vấn đề mang tính chất toàn cầu, không riêng quốc gia nào. Chính vì vậy, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ để sớm bình ổn giá các mặt hàng, nguyên liệu đầu vào”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Theo đó, Bộ Công Thương sẽ làm việc với các doanh nghiệp để có những giải pháp phù hợp cho cả đôi bên người bán – người mua. Theo tính toán thì vật tư đầu vào chiếm 55% giá thành sản phẩm, nên nếu tính toán tỉ mỉ thì hoàn toàn có thể giảm giá thành các nguyên liệu.

Đồng thời tiếp tục kiểm tra kiểm soát thị trường, bình ổn giá các mặt hàng. Thứ ba, điều chỉnh thuế đặc biệt là thuế giá trị gia tăng, hoàn thuế… để các mặt hàng, vật tư thiết yếu như phân bón có thể giảm xuống, bớt khó khăn cho nông dân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết vừa qua, Chính phủ đã đề xuất và đang triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Ngay trong thời gian phòng chống dịch vừa qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc, đồng hành của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách tiền tệ như giảm lãi suất hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Cùng với đó là các chính sách tài khóa như miễn giảm thuế, phí, lệ phí, tiền điện, nước.

CÁCH NÀO ĐẨY LÙI TÍN DỤNG ĐEN

Ông Lê Quang Thắng, Tổng Giám đốc Công ty Việt Long Quảng Ninh với câu hỏi: Sau khi chịu tác động bởi dịch Covid-19, nông dân gặp rất nhiều khó khăn về nguồn vốn để phục hồi lại sản xuất. Chính phủ sẽ có giải pháp gì để chỉ đạo các ngân hàng có chính sách khoanh nợ, giãn nợ, tăng nguồn tăng hạn mức vay cho nông dân.

Đây cũng là băn khoăn của nông dân Trần Thị Thanh Thoan, đến từ huyện Duy Tiên (Hà Nam): Thời gian qua, các ngân hàng đã có nhiều chương trình cho người dân vay vốn phát triển sản xuất. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người dân khó tiếp cận vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi, khiến nạn tín dụng đen vẫn còn đất để tồn tại. Chính phủ sẽ có giải pháp gì mạnh mẽ hơn nữa để ngăn chặn và đẩy lùi nạn tín dụng đen ở nông thôn?

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho biết: Năm 2017 chúng tôi đã đi khảo sát thực tế và thấy được rất nhiều câu chuyện đau lòng về tín dụng đen. Từ đó, ngành ngân hàng cũng nhận thấy trách nhiệm của mình trong vấn đề này, nếu như làm tốt cung ứng vốn sẽ hạn chế được tín dụng đen.

“Kết quả, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng với dư nợ đến cuối tháng 4/2022 đạt trên 2,26 triệu tỷ đồng, chiếm trên 20% dư nợ nền kinh tế, tăng 8,93% so với cuối năm 2021. Sau Hội nghị tại Gia Lai chúng tôi giao cho Agribank triển khai chương trình 5.000 tỷ. Đến cuối tháng 4/2022 đã cho 682.966 lượt khách hàng vay vốn, doanh số cho vay đạt 64.378 tỷ đồng, dư nợ đạt 1.748 tỷ đồng với 95.948 khách hàng còn dư nợ”.

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

“Cũng từ năm đó, chúng tôi có nhiều chính sách để hạn chế tín dụng đen như: Hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động cho vay, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển các dịch vụ trực tuyến. Đồng thời, chỉ đạo tổ chức tín dụng mở rộng, đa dạng sản phẩm dịch vụ ngân hàng, giảm lãi suất, đơn giản hóa thủ tục cho vay nhằm tăng cường tiếp cận tín dụng qua các kênh chính thức”, ông Đào Minh Tú thông tin.

“So với năm 2017, tín dụng đen theo đánh giá sơ bộ giữa Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công an đã giảm hơn 1 nửa, những sự việc đau lòng đã hạn chế”, ông Đào Minh Tú khẳng định

Giải đáp về vấn đề này, Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, trong lĩnh vực vay vốn hộ nông dân, một số loại tội phạm đã lợi dụng hình thành đường dây ổ nhóm cho vay nặng lãi, mà chúng ta gọi là tín dụng đen.

Ngay sau khi phát hiện có tình hình đó ở một số địa phương, Bộ Công an đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan tín dụng đen. Mở nhiều đợt cao điểm rốt ráo phá các ổ nhóm tín dụng đen, bắt và xử lý nhiều đối tượng. Phát hiện đến đâu xử lí đến đó, nếu vụ việc đến mức xử lí hình sự thì thu thập đủ tài liệu để xử lí nghiêm minh.

Hiện nay, Bộ Công an đang tiếp tục tập trung chỉ đạo công an địa phương phối hợp chặt chẽ với ngành ngân hàng, địa phương tăng cường tuyên truyền phòng ngừa nắm tình hình để cập nhật kịp thời các hoạt động tinh vi của tội phạm tín dụng đen; tăng cường tham mưu, xây dựng thể chế nhằm tăng cường phòng ngừa loại tội phạm mới này.

Bộ Công an an cũng đã trình Quốc hội sửa đổi một số điều luật để tăng cường xử lý tội phạm tín dụng đen. Bộ đã tăng cường trên 50.000 cán bộ công an, sĩ quan về làm công an xã, phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường quản lý tín dụng đen, tội phạm công nghệ cao để ngăn chặn ngay từ đầu. Phối hợp ngành ngân hàng xử lý, kiểm soát nhằm giảm bớt sơ hở, không để các loại tội phạm này tiếp tục lộng hành ở nông thôn.

Nhiều vị Bộ trưởng cùng tham gia đối thoại với nông dân.
Nhiều vị Bộ trưởng cùng tham gia đối thoại với nông dân.

Về vấn đề này, Thủ tướng chỉ đạo: Chính quyền địa phương phải phối hợp với cơ quan chức năng xác định tín chấp có đúng không, để hỗ trợ ngân hàng làm sao cho vay và thu lại được vốn. Về phía các hộ nông dân muốn vay vốn cũng phải có đề án, dự án rõ ràng khả thi, hiệu quả, để ngân hàng dễ chấp nhận cho vay hơn.

Muốn ngăn chặn tín dụng đen phải có cả sự vào cuộc của các cấp chính quyền, người dân, công an. Hiện nay chúng ta đã có cơ sở dữ liệu dân cư, có sự kết nối giữa ngân hàng với công an để ít nhất khi một người vay vốn sẽ biết ngay được thân nhân của họ mà không cần phải xác minh gì nhiều.

NÓNG CHUYỆN ĐẤT NÔNG NGHIỆP

Nông dân Hoàng Đình Quê đến từ huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang nêu vấn đề: Thời gian vừa qua, giá đất đai tại nhiều nơi đã tăng trưởng nóng, dẫn tới hiện tượng nhiều bà con nông dân cũng tham gia buôn bán đất đai. Việc tăng giá đất dẫn đến nhiều hệ lụy không tốt cho sản xuất nông nghiệp, cho đảm bảo an ninh, trật tự ở nhiều địa phương. Chính phủ có các giải pháp gì nhằm kiểm soát giá đất, giám sát việc buôn bán, chuyển nhượng đất đai đúng quy định?

Ông Trần Quý Kiên, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết trong thời gian gần đây các thông tin của các cơ quan thông tấn báo chí, phản ánh giá đất ở một số địa phương, một số khu vực tăng lên một cách đột biến gây nên hiện tượng sốt ảo làm ảnh hưởng đến điều hành phát triển kinh tế – xã hội, trật tự an ninh ở địa phương.

Vì vậy, trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tăng cường quản lý chặt chẽ các dự án bất động sản, nhất là bất động sản hình thành trong tương lai, bảo đảm việc đưa bất động sản vào kinh doanh, chuyển nhượng dự án bất động sản phải đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về đầu tư và pháp luật về kinh doanh bất động sản.

Bộ Tài nguyên Môi trường cũng công bố công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch nói chung trong đó có kế hoạch sử dụng đất để người dân tiếp cận các thông tin chính thống, không bị nhiễu thông tin để tránh bị giới đầu cơ lợi dụng thổi giá, đẩy giá đất, giá bất động sản lên cao nhằm thu lợi bất chính.

“Với vấn đề đất đai, vừa phải có giải pháp xử lý các vấn đề tình thế, vừa phải có giải pháp lâu dài. Đất đai là nguồn lực rất lớn phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và sinh kế, đời sống người dân, chúng ta đang tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách để phát huy tốt nhất nguồn lực này, hạn chế thấp nhất các sai phạm, tiêu cực, tham nhũng”.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. 

Ông Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an, cho hay thời gian qua tội phạm vi phạm trong quản lý sử dụng đất đai rất khổ biến, đặc biệt nổi lên ở trình trạng phân lô, bán nền đối với đất nông nghiệp, đất quy hoạch, trồng cây lâu năm, tập trung ở các tỉnh có tốc độ đô thị hóa nhanh. Thực trạng này gây nên nhiều rủi ro cho các nhà đầu tư, người mua đất, cản trở các nhà đầu tư, ảnh hưởng tới an ninh trật tự xã hội

“Qua tìm hiểu tôi thấy nổi lên mấy thủ đoạn: Chủ đầu tư đã rao bán khi chưa có quy hoạch cụ thể. Hoặc đối với đất đã quy hoạch thì tự ý xây dựng hạ tầng sau đó phân lô bán nền trái pháp luật, đặc biệt là mua bán trên các sàn thương mại trái phép, gây hậu quả nghiêm trọng. Đơn cử mấy năm trước chúng tôi đã chỉ đạo lực lượng công an địa phương phá vụ án liên quan tới Công ty cổ phần Alibaba. Công ty này đã tự vẽ 42 dự án với 620ha không có thật, chiếm đoạt 2.500 tỷ đồng. Đây là vụ án lớn mà sau khi phá được đã trở thành bài học, lời cảnh báo đối với các nhà đầu tư”, ông Hùng chia sẻ.

Bộ Công an đã tham mưu cho Chính phủ trực tiếp chỉ đạo các cấp ngành thường xuyên cập nhật các thủ đoạn của các loại thủ phạm đặc biệt là xã hội đen, các nhóm giang hồ cát cứ liên kết với nhau vé ra các dự án không có thật để lừa đảo người dân.

Chỉ đạo công an các địa phương tham mưu cho chính quyền các cấp giái quyết ngay từ đầu, từ sớm từ xa hạ chế tập trung đông người khiếu kiện về đất đai, tránh khiếu kiện từ xa hay tập trung tới các cơ quan công quyền để khiếu kiện về đất.

Về vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết: Về chính sách đất đai, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang làm việc rất tích cực, Chính phủ đang chuẩn bị trình sửa đổi Luật Đất đai và sắp tổ chức hội nghị về phát triển thị trường đất đai lành mạnh, bền vững, an toàn, minh bạch, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân, doanh nghiệp, xử lý nghiêm các sai phạm.

Theo VnEconomy.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *