Đại hội Nhiệm kỳ VII (2021-2023) và Lễ đón nhận Cờ thi đua của Chính phủ của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam

Rate this post

Ngày 8/12/2021 tại TP HCM, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đã tổ chức Đại hội nhiệm kỳ VII (2021-2023) và Lễ đón nhận Cờ thi đua của Chính phủ. Đến tham dự Đại hội có sự tham dự của Ông Lê Viết Bình – Phó Chánh Văn phòng, Trưởng Đại diện Cơ quan Bộ Nông nghiệp & PTNT phía Nam; Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Chuyên viên Cao cấp Bộ Nội vụ; Ông Đào Ngọc Dũng – Phó Cục trưởng Cục Công tác Phía Nam, Bộ Công Thương; Ông Lê Văn Thiệt – Phó Cục trưởng Cục BVTV, Bộ Nông nghiệp và PTNT; Ông Phan Ngọc Liêm – Phó Giám đốc VCCI Chi nhánh TP HCM; Bà Hoàng Thị Liên – Nguyên Giám đốc Điều hành Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế; Ông Đỗ Hà Nam – Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cùng hơn 80 Hội viên Hiệp hội và các cơ quan báo chí về đưa tin Đại hội.

Đại hội nhiệm kỳ VII (2021-2023) với sự tham dự của hơn 110 Đại biểu 

Trong nhiệm kỳ VI, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Để đạt được thành tích đó, hơn hết đó chính sự đoàn kết, thống nhất cao của Ban Chấp hành và sự ủng hộ của hội viên về vật chất lẫn tinh thần trong các chương trình hoạt động của Hiệp hội.

Đối với các cơ quan của Bộ NN-PTNT, Bộ Công Thương, chính quyền các tỉnh trọng điểm sản xuất Hồ tiêu, các hợp tác xã địa phương, Hiệp hội đều có mối quan hệ tốt, duy trì trao đổi thông tin và giải quyết tốt các công việc liên quan. Trong quan hệ quốc tế, Hiệp hội phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) trong các hoạt động của IPC, duy trì quan hệ với Hiệp hội gia vị Hồ tiêu các nước trong tổ chức IPC, Hiệp hội Gia vị châu Âu (ESA), Hiệp hội Gia vị Mỹ (ASTA),… nhờ đó mọi thông tin, mọi vấn đề vướng mắc đều được giải quyết kịp thời.

Ban Thường vụ Hiệp hội nhận Cờ thi đua của Chính phủ về thành tích đã hoàn thành xuất sắc, toàn diện nhiệm vụ công tác, dẫn đầu phong trào thi đua năm 2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Với tỷ lệ xuất khẩu hằng năm trung bình chiếm 75-80% năm, các doanh nghiệp hội viên viên VPA đã đóng vai trò là đầu tàu trong hoạt động nâng cao chất lượng cả trong sản xuất hồ tiêu lẫn trong hoạt động chế biến xuất khẩu. Đã có nhiều doanh nghiệp tổ chức liên kết sản xuất với các HTX, Tổ hợp tác và nông dân tại nhiều tỉnh trồng tiêu trọng điểm. VPA tổ chức định kỳ hàng năm khảo sát đánh giá tình hình sản xuất hồ tiêu tại các tỉnh trọng điểm giúp các doanh nghiệp hội viên có thêm được thông tin chính xác về tình hình sản xuất để từ đó mỗi doanh nghiệp hoạch định chiến lược kinh doanh riêng.

Hiệp hội thường xuyên cập nhập thông tin về tình hình thị trường, giá cả hồ tiêu trong nước và trên thế giới. Thống kê đầy đủ số lượng xuất nhập khẩu hồ tiêu của các doanh nghiệp và thị trường, xây dựng bản tin hàng tháng giúp các hội viên nắm bắt tình hình kịp thời.

Đang chú ý trong nhiệm kỳ qua, Hiệp hội đã tích cực phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ NN-PTNT, IPC, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ/Nepal để giải cứu 62 container hồ tiêu bị mắc kẹt tại Nepal và Ấn Độ. Kết quả đã có 61 container hồ tiêu được giải phóng thành công về Việt Nam.

Trong nhiệm kỳ VII, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam sẽ đẩy mạnh hoạt động thông tin, nghiên cứu thị trường, thị hiếu để cung cấp thông tin tốt giúp nông dân có định hướng đúng trong phát triển sản xuất hồ tiêu, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu có được chiến lược sản xuất kinh doanh hiệu quả, từ đó giúp gia tăng giá trị, giảm thiểu rủi ro cho ngành công nghiệp hồ tiêu Việt Nam. Hiệp hội sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý Nhà nước, các Bộ Ngành trung ương và địa phương để kịp thời xử lý những vấn đề từ sản xuất đến thương mại, xuất khẩu của ngành hồ tiêu Việt Nam trong phạm vi trong và ngoài nước;

Hiệp hội tăng cường đẩy mạnh vai trò và sự ảnh hưởng trong khối IPC mà Việt Nam là thành viên, là nước sản xuất, xuất khẩu lớn nhất, tạo sự liên kết, đồng thuận để có thể phối hợp quản lý và điều tiết được nguồn cung toàn cầu;

Phối hợp cùng Tổ chức Sáng kiến Thương mại bền vững (IDH) và Hiệp hội Gia vị Châu Âu triển khai thực hiện dự án: “Thúc đẩy sản xuất và thương mại bền vững Hồ tiêu Việt Nam” do Liên minh châu Âu và IDH Hà Lan tài trợ;

Đại diện Bộ Nông nghiệp và PTNT trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng cho các doanh nghiệp đã có Đã có thành tích xuất sắc trong công tác tổ chức, liên kết sản xuất, phát triển ngành Hồ tiêu năm 2019 – 2020

VPA sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ NN-PTNT, các tổ chức quốc tế như Hiệp hội Gia vị Mỹ (ASTA), Hiệp hội Gia vị Châu Âu (ESA), Canada (CSA), Hiệp hội Thương mại Gia vị Quốc tế (IOSTA),… để cập nhật và chia sẻ thông tin, xây dựng các giải pháp cùng tháo gỡ khó khăn cả trong sản xuất và thương mại để Hồ tiêu Việt Nam đáp ứng được nhu cầu, tiêu chuẩn quốc tế; Triển khai thực hiện Biên bản ký kết giữa Cục BVTV và VPA về tổ chức chương trình tập huấn liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân nhằm hướng đến sự phát triển bền vững của ngành Hồ tiêu Việt Nam. Cụ thể, VPA sẽ triển khai nhiều hoạt động hơn, trong đó tập trung vào việc phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp, đẩy mạnh hợp tác, liên kết với nông dân sản xuất hồ tiêu thông qua các tổ chức của nông dân để quản lý, kiểm soát quy trình sản xuất từ khâu canh tác tới thu hoạch, xử lý, chế biến, bảo quản … theo GAP, GMP để có hồ tiêu sạch, không tồn dư hoá chất mà các nước nhập khẩu không cho phép; Đẩy mạnh hơn nữa hoạt động thúc đẩy thương mại, thúc đẩy xuất khẩu; xúc tiến thương mại, thúc đẩy thị trường tiêu thụ hồ tiêu nội địa.

Tham gia đóng góp ý kiến tại Đại hội, Bà Hoàng Thị Liên – Nguyên Giám đốc Điều hành Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) – Chuyên viên chính Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho biết: Nhu cầu Hồ tiêu toàn cầu tăng 2-3%/năm, với bức tranh sản lượng Hồ tiêu toàn cầu giảm thì Việt Nam – quốc gia sản xuất Hồ tiêu lớn nhất thế giới sẽ chiếm lợi thế. Sản lượng Hồ tiêu năm 2021 cho thấy sự sụt giảm ở Việt Nam và Brazil nhưng tăng nhẹ ở Indonesia. Khoảng cách cung và cầu gần hơn sẽ tạo điều kiện hỗ trợ tăng giá. Thị trường toàn cầu liên thông nên các chính sách quản lí vĩ mô ảnh hưởng tới đến toàn bộ chuỗi cung ứng, đặt biệt thị trường lớn như châu Mỹ và châu Âu. Vừa qua Hoa Kỳ có chính sách giảm gói kích cầu, điều chỉnh giảm lạm phát dưới 3%, điều này sẽ ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ toàn cầu. Hiện tại, thế giới sống chung với đại dịch nhưng kinh tế chưa thể phục hồi ngay. Giá xuất khẩu đang tăng nhưng 100% lợi nhuận từ việc tăng giá không chuyển về doanh nghiệp xuất khẩu mà là bên thứ 3 gồm các hãng tàu, công ty logistic. Chi phí logistic đã tăng mạnh ở hầu hết các thị trường, đặt biệt châu Âu và Hoa Kỳ. Chỉ tỉnh riêng thị trường Hoa Kỳ giá vận chuyển đã tăng hơn 500%. Trong thời gian ngắn hạn giá vận tải không thể về mức trước đại dịch. Các doanh nghiệp xuất khẩu đang cố gắng cầm cự để giữ thị trường, giữ khách hàng. Brazil là nhà cung cấp Hồ tiêu lớn của Việt Nam để đáp ứng nhu cầu tái xuất. Tuy nhiên trong năm 2021, số lượng nhập khẩu Hồ tiêu của Việt Nam từ Brazil đã giảm. Khi chênh lệch giá giữa Việt Nam và Brazil không cao thì các doanh nghiệp cũng cân nhắc trong việc nhập khẩu Hồ tiêu từ Brazil. Trong thời gian tới, doanh nghiệp cần quan đến yếu tố lạm phát, chi phí đầu vào tăng cao. Hiện nay thị trường vẫn cho thấy những dấu hiệu tích cực nhưng trong thời gian tới không điều chỉnh sâu và dao động nhẹ. Khả năng đến hết quý 2/2022, giá vận tải hi vọng ổn định trở lại.

Ông Nguyễn Nam Hải – Chủ tịch Hiệp hội trao tặng chứng nhận cho các doanh nghiệp có thành tích xuất khẩu xuất sắc trong năm 2020

Trong khi đó, ông Đỗ Hà Nam – Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) giai đoạn 2003-2017 đã chia sẻ quá trình và những khó khăn của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam trong những ngày đầu thành lập năm 2001 khi ngành Hồ tiêu Việt Nam bắt đầu phát triển với số lượng xuất khẩu khoảng 20.000-30.000 tấn vào những năm 2000. Mặc dù thời kỳ đầu rất khó khăn về tài chính nhưng VPA đã tích cực tham gia IPC trên cơ sở đóng góp của Bộ Nông nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu. Bên cạnh đó, VPA còn nhận được sự hỗ trợ tích cực của các Bộ, Ban, Ngành, các Viện Khoa học và các tổ chức liên quan, các doanh nghiệp và các cá nhân trong các hoạt động Hiệp hội. Năm 2010, VPA đã thành công trong việc đề xuất IPC vinh danh doanh nghiệp xuất khẩu xuất sắc, doanh nghiệp chế biến xuất sắc và nông dân sản xuất giỏi của từng thành viên trong IPC. Thực tế cho thấy báo cáo ngành Hồ tiêu của Việt Nam được thế giới quan tâm. Kết quả đạt được cho đến hôm nay của Hiệp hội không phải riêng bản thân Hiệp hội mà quan trọng hơn hết sự đóng góp của cộng đồng các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các Bộ, Ban, Ngành, sự kiên trì của nông dân trồng tiêu Việt Nam. Giá Hồ tiêu cho thấy sự dao động tăng kể từ 2020 và tăng trưởng cho thấy dấu hiệu khả quan nhưng khó có thể đạt đỉnh như năm 2016.

Cũng đóng góp ý kiến tại Đại hội, ông Lê Thanh Hùng – Trưởng phòng Liên kết Công ty TNHH Chế biến Gia vị Nedspice Việt Nam cũng chia sẻ thêm thông tin: Ông cho biết Nedspice của Hà Lan có trụ sở Bình Dương và vừa có thêm nhà máy thứ 2 tại tỉnh Bình Phước. Chương trình liên kết của Nedspice với nông dân được bắt đầu cuối năm 2012 với mục tiêu tạo chuỗi kiểm soát sản xuất để đảm bảo đầu ra, mang sản phẩm chất lượng đến khách hàng và hỗ trợ nông dân tốt hơn. Cho đến nay, kết quả đạt được từ chương trình liên kết là Nedspice có được sản phẩm RA, chứng nhận hữu cơ, các chương trình canh tác bền vững. Thực tế tại Việt Nam, chuỗi liên kết trong ngành Hồ tiêu còn rất thấp, dưới 10%. Hiệu quả liên kết không chỉ tạo vùng nguyên liệu tốt mà còn chuyển tải ngay lập tức yêu cầu thị trường trong hệ thống liên kết sản xuất của Nedspice. Thông qua các lớp tập huấn, các tài liệu, phối hợp cùng VPA và các tổ chức khác, Nedpsice đã chia sẻ thông tin, đưa ra kiến nghị, tham vấn chính sách, khuyến cáo nông dân sản xuất trong điều kiện thổ nhưỡng, chế độ trồng thuần và trồng xen phù hợp. Từ đó thay đổi các tiếp cận theo hướng đảm bảo dư lượng cho phép thay vì khuyến khích sản xuất tăng năng suất và sản lượng. Nedpsice mong muốn phối hợp với VPA trong dự án sắp tới do EU tài trợ để xúc tiến liên kết sản xuất bền vững. Mục tiêu cụ thể cần được đặt ra gắn với mục tiêu của tổ chức ngành hàng như SSI để đáp ứng đúng nhu cầu thị trường, ít biến động và thu hút sự đầu tư hỗ trợ từ các tổ chức bền vững. VPA cần đẩy mạnh công tác truyền thông đến tất cả hội viên. Có như thế các vấn đề dư lượng, thiếu bền vững sẽ sớm được giải quyết.

Ông Vũ Văn Hải – Phó Chủ tịch Hiệp hội trao tặng giấy chứng nhận Hội viên mới cho các đơn vị mới tham gia Hiệp hội 

Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Ông Lê Viết Bình – Phó Chánh Văn phòng, Trưởng Đại diện Cơ quan Bộ Nông nghiệp và PTNT phía Nam nhận định trong thời gian qua, nông nghiệp Việt Nam nói chung và ngành Hồ tiêu nói riêng gặp nhiều khó khăn. Phản hồi ý kiến của ông Hoàng Phước Bính về xem xét lại diện tích trồng Hồ tiêu tại Việt Nam, ông Lê Viết Bình cho biết diện tích được thống kê 130.000 ha là số liệu chính thức được cung cấp từ các cấp địa phương. Tuy nhiên, ông cũng ghi nhận kiến nghị của ông Bính và sẽ xem xét lại với Cục Trồng trọt khi VPA có văn bản chính thức về mức sản lượng cụ thể được đề xuất. Nhiệm kỳ VI (2017-2020) ngành Hồ tiêu chứng kiến giá giảm mạnh, có giai đoạn giá chạm 35.000 đồng/kg. Thêm vào đó, đại dịch Covid-19 khiến bức tranh Hồ tiêu gần như khủng hoảng. Trong bối cảnh đó, VPA đã không ngừng phối hợp với các cơ quan Bộ ngành, các doanh nghiệp để tìm phương án tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Hiện tại, ngành Hồ tiêu cho thấy những tín hiệu khả quan hơn khi kim ngạch xuất khẩu đạt 900 triệu USD trong trong 11 tháng 2021. Tuy vậy, 2021 là năm cực kỳ khó khăn và nhiều thách thức và có thể tiếp tục kéo dài đến nhiệm kỳ VII. Các vấn đề đặt ra làm thế nào để điều tiết cung cầu; đẩy mạnh liên kết và chế biến sâu; xây dựng và phát huy vai trò thực thụ trong liên kết nông nghiệp gồm các bên doanh nghiệp, nông dân, logistic, ngân hàng và các Bộ ngành.

Ban chấp hành nhiệm kỳ VI tuyên bô mãn nhiệm kỳ

Tại Đại hội, các đại biểu đã bầu ra 19 thành viên tham gia Ban chấp hành Hiệp hội nhiệm kỳ VII (2021-2023), danh sách cụ thể như sau:

1. Ông Nguyễn Thế Anh – Giám đốc Công ty Cổ phần Sinh Lộc Phát

2. Ông Bùi Chí Bửu – Nguyên Viện trưởng Viện KHKT NN Miền Nam

3. Ông Phan Văn Đạt – Giám đốc nhà máy Công ty Cổ phần Liên Thành

4. Ông Vũ Văn Hải – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Sản xuất Dịch vụ XNK Hà Nội

5. Ông Lê Phước Hậu – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Phước Tấn

6. Ông Nguyễn Tấn Hiên – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Trân Châu

7. Ông Nguyễn Vũ Hiền – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư XNK Phúc Thịnh

8. Ông Thái Như Hiệp – Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp

9. Ông Lê Đức Huy – Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV XNK 2 tháng 9 Đăk Lăk

10. Bà Hoàng Thị Liên – Nguyên Giám đốc Điều hành Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế – Chuyên viên Vụ Chính sách thương mại đa biên – Bộ Công Thương

11. Ông Phan Xuân Long – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Giám định Cà phê và Hàng hóa XNK Cafecontrol

12. Ông Ngô Xuân Nam – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Intimex

13. Ông Lâm Ngọc Nhâm – Chủ tịch Hội Hồ tiêu Bà Rịa – Vũng Tàu

14. Ông Phùng Văn Sâm – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Hanfimex Việt Nam

15. Ông Huỳnh Đức Thông – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần XNK Petrolimex

16. Ông Phan Minh Thông – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phúc Sinh

17. Ông Đinh Xuân Thu – Giám đốc Công ty TNHH Trang trại xanh Thu Thủy

18. Ông Bạch Thanh Tuấn – Giám đốc Trung tâm Phát triển Cộng đồng

19. Ông Trần Thanh Tùng – Giám đốc Trung tâm Kiểm định và Khảo nghiệm Thuốc Bảo vệ Thực vật phía Nam.

BCH nhiệm kỳ VII cũng đã thống nhất bầu chọn Ban lãnh đạo Hiệp hội:

– Chủ tịch Hiệp hội: Bà Hoàng Thị Liên

– Phó Chủ tịch: Ông Vũ Văn Hải

– Phó Chủ tịch: Ông Nguyễn Tấn Hiên

– Trưởng ban Kiểm tra: Ông Ngô Xuân Nam

Ban Thường vụ gồm có 5 thành viên, cụ thể:

– Trưởng Ban Thường vụ: Bà Hoàng Thị Liên – Chủ tịch Hiệp hội

– Phó Trưởng Ban Thường vụ: Ông Vũ Văn Hải – Phó Chủ tịch

– Phó Trưởng Ban Thường vụ: Ông Nguyễn Tấn Hiên – Phó Chủ tịch

– Ủy viên Ban Thường vụ: Ông Ngô Xuân Nam – Trưởng Ban Kiểm tra

– Ủy viên Ban Thường vụ: Ông Lê Đức Huy – Ủy viên BCH Hiệp hội

Ban chấp hành Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam nhiệm kỳ VII (2021-2023)

Ban Kiểm tra Hiệp hội nhiệm kỳ VII (2021-2023)

1. Ông Ngô Xuân Nam – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Intimex – Trưởng ban

2. Bà Lê Thu Hiền – Giám đốc Công ty TNHH MTV Vama – Thành viên

3. Ông Tạ Quốc Sự -Chủ tịch Công ty TNHH Hồ tiêu Việt – Thành viên.

Đại diện Bộ Nội vụ, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Ông Đỗ Hà Nam – Nguyên Chủ tịch VPA giai đoạn 2003-2017, Ông Nguyễn Nam Hải – Nguyên Chủ tịch VPA nhiệm kỳ VI tặng hoa chúc mừng bà Hoàng Thị Liên – Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam nhiệm kỳ VII (2021-2023)

VPA

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *